Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Va chạm ô tô ngày Tết, gọi bảo hiểm thế nào cho nhanh?

(Dân sinh) - Sự cố va chạm ô tô trong ngày Tết có thể xảy ra, chủ xe có bảo hiểm cần chuẩn bị gì để việc gọi bảo hiểm được nhanh chóng, kịp thời.

Theo quy định hiện hành, chủ xe ô tô nào cũng phải có ít nhất một loại bảo hiểm là bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.

Theo tập quán sử dụng của người Việt, với xe ô tô mua mới (hoặc xe cũ có tuổi xe dưới 10 năm) thường được chủ xe mua thêm gói bảo hiểm vật chất tự nguyện, mức phí bảo hiểm khoảng 1 - 1,5% giá trị xe.

Nếu người chủ xe đang thế chấp xe ở ngân hàng cho một khoản vay, thì chiếc xe đó chắc chắn phải có 2 loại bảo hiểm, là bảo hiểm bắt buộc TNDS và bảo hiểm tự nguyện vật chất (gọi tắt là bảo hiểm thân vỏ).

Chủ xe cần cung cấp thông tin đầy đủ chính xác cho tổng đài bảo hiểm ngay từ cuộc gọi đầu tiên sau va chạm. Ảnh minh họa

Chủ xe cần cung cấp thông tin đầy đủ chính xác cho tổng đài bảo hiểm ngay từ cuộc gọi đầu tiên sau va chạm. Ảnh minh họa

Trong những ngày Tết, việc đi lại có thể gặp sự cố va chạm, lúc này chủ xe cần chuẩn bị gì để gọi bảo hiểm nhanh nhất.

Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH tư vấn dịch vụ bảo hiểm InFair), cần nhớ các thao tác cung cấp thông tin chuẩn xác và nhanh gọn để phía bảo hiểm năm bắt tình hình, từ đó điều phối giám định viên gần nhất đến hỗ trợ.

Thứ nhất là gọi ngay đến số đường dây nóng của Công ty bảo hiểm (số Hotline được in sẵn trên tờ ấn chỉ bảo hiểm), cần cung cấp biển số, tên chủ xe, tên người lái tại thời điểm đó.

Thứ hai là cung cấp vị trí xảy ra va chạm một cách tương đối chính xác, mô tả địa điểm va chạm (số nhà, tên phố, phường quận, địa chỉ thôn xã, đặc điểm cảnh quan xung quanh…) nhằm giúp phía công ty bảo hiểm tiếp cận nhanh nhất.

Thứ ba là mô tả tình huống dẫn đến va chạm như thế nào, trên xe có camera hành trình hay không, giúp công ty bảo hiểm có căn cứ bồi thường.

Thứ tư là mô tả thiệt hại (của người và xe) bằng lời nói qua điện thoại, mô tả chi tiết để công ty bảo hiểm làm căn cứ đánh giá rủi ro.

Thứ năm là tự chụp ảnh hiện trường (nếu có thể chụp ảnh), chụp từ nhiều góc để khi giám định viên tiếp cận hiện trường, có sẵn hình ảnh để cung cấp.

Trong nhiều vụ va chạm, xe ô tô được CSGT yêu cầu di chuyển vào sát lề đường để giải tỏa ùn tắc, khiến hiện trường có thể bị xáo trộn.

Theo vị chuyên gia, giám định viên bảo hiểm đến hiện trường nhanh hay không, việc cung cấp thông tin ban đầu của người lái xe rất quan trọng.

Do đó người lái xe cần cung cấp thông tin mô tả tình huống va chạm đầy đủ, địa điểm xảy ra sự cố chính xác, giúp việc giải quyết bồi thường bảo hiểm thuận lợi cho các bên.