Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vaccine COVID-19 có khả năng sẽ trở thành mũi tiêm phòng định kỳ hằng năm

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, có khả năng vaccine phòng COVID-19 sẽ trở thành mũi tiêm phòng định kỳ hằng năm, tương tự như mũi tiêm ngừa cúm được khuyến khích tiêm mỗi mùa Thu.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Tiến sỹ Archana Chatterjee, Hiệu trưởng Trường Y khoa Chicago tại Đại học Rosalind Franklin (Mỹ) nhận định: “Để giữ cho dịch COVID-19 không vượt quá tầm kiểm soát, người dân cần được tiêm phòng định kỳ, cho dù là hằng năm, hay mỗi 2 năm hoặc 5 năm 1 lần. Các chuyên gia sẽ đưa ra khuyến cáo phù hợp khi thu thập đủ dữ liệu”.

Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 6/4 để thảo luận về việc tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 trong tương lai, trong đó sẽ đưa ra thảo luận cụ thể khoảng cách giữa các mũi tiêm nhắc lại.

Tiến sỹ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA ngày 21/3 cho rằng việc phòng ngừa COVID-19 bằng cách tiêm vaccine hiện vẫn là lựa chọn tối ưu, đặc biệt khi COVID-19 có thể dần dần sẽ được coi như một căn bệnh đặc hữu.

Nhiều chuyên gia cũng cho biết, vaccine phòng COVID-19 trong tương lai có thể có công thức hoàn toàn khác so với các loại vaccine hiện hành.

Một số công ty như Pfizer và Moderna đang phát triển các loại vaccine có hiệu quả với bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, mục tiêu là một loại vaccine có hiệu quả kéo dài ít nhất 1 năm. 

Hiện, Moderna và công ty công nghệ sinh học Novavax đang tiến hành nghiên cứu một loại vaccine kết hợp, có thể ngăn ngừa cảm cúm lẫn COVID-19.

Trong khi đó, liên quan đến liều vaccine tăng cường, theo báo điện tử VTV.VN, liều vaccine thứ tư của Pfizer và Moderna tỏ ra ít hiệu quả trong tạo miễn dịch chống virus SARS-CoV-2, nhưng lại có tác dụng bảo vệ đối với nhóm người có nguy cơ cao.

Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm y tế Sheba, Israel vừa được xuất bản trên Tạp chí Y học New England.

So sánh với kết quả sản sinh miễn dịch trên những người trẻ và khỏe mạnh đã được tiêm 3 liều vaccine cho thấy, liều vaccine thứ tư có ít hoặc không cải thiện khả năng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Nghiên cứu cũng chứng minh những người trẻ và khỏe mạnh đã được tiêm 3 liều vaccine sẽ tạo miễn dịch ở mức độ vừa phải.

Nghiên cứu được tiến hành trên 600 tình nguyện viên, trong đó có 270 người đã được tiêm liều vaccine thứ 4 của Pfizer hoặc Moderna.

Các nhà khoa học phát hiện không có sự khác biệt nào về mức độ kháng thể IgG và mức độ kháng thể vô hiệu hóa virus, chỉ đạt mức độ tương đương mức đã đạt được một tháng sau khi tiêm liều thứ 3.

Giáo sư Gili Regev Yochay, Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Sheba, khẳng định, tỷ lệ lây bệnh của những người được tiêm mũi tăng cường thứ tư chỉ thấp hơn một chút so với những người trong nhóm đối chứng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của liều tiêm thứ 3 đối với những người chưa từng mắc COVID-19. Đối với những nhóm người có nguy cơ cao, liều thứ tư có thể bảo vệ họ khỏi nguy cơ bệnh diễn biến nặng.