Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vaccine của AstraZeneca và vaccine mRNA có hiệu quả tương đương trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do COVID-19

Dữ liệu mới được đánh giá cho thấy, vaccine của AstraZeneca cũng như các loại vaccine theo công nghệ mRNA đều có khả năng bảo vệ tương đương trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do COVID-19.

Việt Nam đã tiêm hơn 213 triệu liều vaccine các loại.

Việt Nam đã tiêm hơn 213 triệu liều vaccine các loại.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, chương trình đánh giá dữ liệu mới đây của các chuyên gia lấy từ 79 nghiên cứu đời thực cho thấy, hai liều tiêm của các loại vaccine phổ biến nhất hiện nay gồm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và các loại vaccine theo công nghệ mRNA đem lại hiệu quả bảo vệ tương đương nhau trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do COVID-19. Thông tin này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo khu vực châu Á về “Hiệu quả bảo vệ của các vaccine COVID-19” diễn ra ngày 27/4.

Bác sĩ Rontgene Solante - Thành viên Hội đồng Chuyên gia về vaccine (Philippines) cho hay, dữ liệu mới này chứng tỏ vaccine của AstraZeneca (được biết đến là một trong những loại vaccine véc tơ virus) cũng như các loại vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA đều có khả năng bảo vệ tương đương nhau (không có khác biệt về thống kê) trước nguy cơ nhập viện (91,3 - 92,5%) và nguy cơ tử vong (91,4%  - 93,3%) bất kể ở độ tuổi.

Mặc dù những dữ liệu đời thực có sẵn tại thời điểm đánh giá chỉ bao gồm biến thể Delta và các biến thể trước đó nhưng các số liệu gần đây cũng cho thấy kết quả tương tự đối với những hệ quả nghiêm trọng của COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.

Giáo sư Guy Thwaites - Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam chia sẻ: “Các loại vaccine phòng COVID-19 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ mạng sống của người dân cũng như giúp các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á phần nào trở lại trạng thái bình thường trong năm vừa qua. Cuộc đánh giá của các chuyên gia cho thấy vaccine của AstraZeneca và các loại vaccine mRNA khác đang có mặt đều mang lại hiệu quả bảo vệ cao và tương đương nhau trước những nguy cơ đe dọa tính mạng của COVID-19". Chính vì vậy, đây sẽ là thông tin quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, trong quá trình họ cân nhắc kế hoạch triển khai tối ưu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân mỗi nước trong 12 tháng tới. 

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng (Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, khả năng bảo vệ cơ thể trước các diễn tiến nghiêm trọng của COVID-19 là thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả vaccine COVID-19. Sau tiêm chủng, mức độ kháng thể trong máu sẽ giảm dần theo thời gian nhưng những cơ chế bảo vệ khác của cơ thể không bị suy giảm nhanh như vậy. Chúng sẽ giúp cơ thể chống đỡ sau khi bị virus xâm nhập, từ đó giảm nguy cơ dẫn tới các hệ quả nghiêm trọng. 

Những dữ liệu trên được đánh giá bởi các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên khắp châu Á và đến từ VIEW-hub, một nền tảng tương tác có chức năng trực quan hóa các dữ liệu toàn cầu về việc sử dụng và các tác động của vaccine, được phát triển bởi Trường Y tế Công cộng John Hopkins Bloomberg và Trung tâm Tiếp cận vaccine toàn cầu (International Vaccine Access Center, viết tắt là IVAC), Hoa Kỳ. Nền tảng này được cập nhật hàng tuần để bổ sung thêm các nghiên cứu đời thực về hiệu quả của vaccine.

Vaccine của AstraZeneca là một loại vaccine véc tơ virus - sử dụng một phiên bản không thể gây bệnh của virus làm một phần của vaccine, dạy cơ thể cách phòng chống bệnh nếu sau đó bị phơi nhiễm với virus thật. Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ vaccine này trong suốt 40 năm qua để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như: Cúm, Zika, Ebola và HIV.

Theo Báo Sức khoẻ và Đời sống, AstraZeneca và các đối tác toàn cầu đã cung ứng hơn 2,9 tỷ liều vaccine tới hơn 180 quốc gia, trong đó khoảng hai phần ba số liều đã được chuyển tới những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Ước tính vaccine của AstraZeneca đã giúp phòng ngừa 50 triệu ca nhiễm COVID-19, 5 triệu ca nhập viện đồng thời giúp bảo toàn tính mạng của hơn 1 triệu người.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 239 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó vaccine công nghệ mRNA có số lượng nhiều nhất, tiếp đến là vaccine AstraZeneca và các loại vaccine khác. Việt Nam đã tiêm hơn 213 triệu liều vaccine các loại.