Quay lại Dân trí
Dân Sinh

VFC chính thức khẳng định Táo quân dừng phát sóng, sẽ có chương trình nghệ thuật khác

(Dân sinh) - Sáng 22/11, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), Đài Truyền hình Việt Nam chính thức khẳng định về việc dừng phát sóng chương trình Táo quân trên VTV vào đêm giao thừa, bắt đầu từ Tết Canh Tý 2020. Theo VFC, Trung tâm sẽ sản xuất một chương trình nghệ thuật mới để thay thế vào khung giờ 20h00 đêm Giao thừa 2020.

Sau 16 năm phát sóng và là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đêm 30 Tết của hàng triệu người Việt Nam, chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo quân" gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Quốc Khánh (vai Ngọc Hoàng), NSND Công Lý (vai Bắc Đẩu), diễn viên Vân Dung (vai Táo Y tế, Táo Giáo dục…), NSƯT Chí Trung (vai Táo Giao thông…) sẽ chính thức khép lại từ Tết 2020. Tuy nhiên, vài năm qua, chương trình đã không còn tạo được sức hấp dẫn như trước. Chương trình bị chê "nhạt" bởi không có cách thể hiện mới, nội dung cũng không còn gây bất ngờ, hài hước, thậm chí một số chương trình (đơn cử như "Táo quân 2019") còn bị đánh giá là "lạm dụng" quảng cáo.

 VFC chính thức khẳng định Táo quân dừng phát sóng - Ảnh 1.

Cuối năm 2019, nhiều nguồn tin cho rằng VFC phát tin VTV và VFC quyết định thay thế một phiên bản Táo quân khác được VFC thực hiện tại Cộng hòa Séc vào tháng 9 năm 2019 có tên "Táo quân Vi hành" dự kiến sẽ được phát sóng vào dịp 23 tháng Chạp. Còn về chương trình tối 30 Tết Canh Tý thay thế Táo quân vẫn chưa được được công bố.

Trước nhiều nguồn thông tin về việc Táo quân có thực sự dừng phát sóng hay không, sáng 22/11, VFC chính thức lên tiếng về chương trình này. Theo đó, VFC xin gửi lời cảm ơn đến đông đảo khán giả truyền hình đã đồng hành và dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho chương trình 'Táo quân' trong suốt 16 năm qua. VFC khẳng định, chính sự ủng hộ, tình yêu cho chương trình, những ý kiến đóng góp tích cực của quý khán giả đã giúp ê kíp sản xuất có động lực vượt qua nhiều khó khăn để sáng tạo, để sản xuất được một chương trình dài hơi và có ý nghĩa như 'Táo quân'.

"Chúng tôi cảm ơn các nghệ sỹ, ê kíp sáng tạo đã đồng hành cùng chúng tôi từ những ngày đầu để xây dựng và tạo nên một thương hiệu đặc biệt, thương hiệu 'Táo quân' – một trong những chương trình truyền hình được yêu thích nhất tại Việt Nam. Đây chính là thành quả của hàng tháng trời tập luyện vất vả, của sự sáng tạo bền bỉ không ngừng trong suốt 16 năm diễn ra chương trình của các nghệ sỹ. Với mong muốn có thêm nhiều chương trình hấp dẫn phục vụ khán giả, VTV đã giao VFC tiếp tục thực hiện chương trình để thay thế 'Táo quân'. Chính vì vậy mà 'Táo quân' dừng lại nhưng không phải để kết thúc mà để mở ra một chương trình với format khác biệt, hứa hẹn hấp dẫn hơn, tươi mới hơn. Đây sẽ là thách thức lớn đối VFC. Chương trình thay thế sẽ vẫn được phát sóng vào đêm giao thừa, và ngay sau đó sẽ là một chương trình nghệ thuật hấp dẫn khác"- đại diện VFC khẳng định.

 VFC chính thức khẳng định Táo quân dừng phát sóng - Ảnh 2.

Gặp nhau cuối năm được VFC bắt đầu sản xuất từ năm 2003, ban đầu là số đặc biệt của chương trình hài nổi tiếng Gặp nhau cuối tuần, khi đó Táo quân chỉ là 1 tiểu phẩm của chương trình và từ năm 2006 đến nay, toàn bộ nội dung của Gặp nhau cuối năm là Táo quân. Năm 2007, chương trình Gặp nhau cuối năm vẫn tiếp tục sản xuất sau khi Gặp nhau cuối tuần kết thúc. Từ năm 2003, Gặp nhau cuối năm được phát sóng thường niên vào ngày Tất niên Âm lịch. Trước đó, Gặp nhau cuối năm sẽ được trình diễn phục vụ nhân dân tại sân khấu vào 3 ngày trong tháng chạp Âm lịch.

Dựa theo truyền thuyết Táo quân về trời, thông qua buổi chầu, nơi các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm được trong suốt 1 năm qua, Gặp nhau cuối năm tập trung vào phản ánh, đả kích những vấn đề nóng bỏng, nổi cộm trong năm vừa qua, thuộc các lĩnh vực trong đời sống như xã hội, kinh tế, văn hóa, giao thông, y tế, thể thao, khoa học kĩ thuật... một cách hài hước (không bao gồm chính trị, tôn giáo, quốc phòng, an ninh). Cách thể hiện là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như tấu nói, hài kịch xen lẫn với các điệu dân ca cải lương, chèo và nhiều bài nhạc chế.

Các định dạng của chương trình thay đổi trong một số năm, cụ thể định dạng của chương trình được phỏng theo 1 chương trình truyền hình nào đó. Trong năm 2009, Hoa Táo, 1 cuộc thi sắc đẹp cho các Táo đã được trình bày, dựa trên format cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Năm 2011, chương trình đã được đặt tên là Táo Idol, dựa theo format của chương trình Vietnam Idol: Thần tượng Âm nhạc Việt Nam. Năm 2013, chương trình dựa theo format của Giọng hát Việt với 4 chiếc ghế quen thuộc nên chỉ có 4 Táo lên chầu cho phù hợp. Đến năm 2015, tiếp tục có 1 trò chơi truyền hình được dựng lại: "Ai là trợ lý", dựa trên định dạng của chương trình Ai là triệu phú. Đến cuối vở diễn, có sự xuất hiện của chương trình hài kịch Ơn giời, cậu đây rồi!, được dựng thành Ơn giời, Táo đây rồi!. Năm 2016, Vòng quay tham nhũng, 1 cuộc thi tìm ra những táo tham nhũng đã được trình bày dựa trên trò chơi Chiếc nón kỳ diệu. Năm 2018, kỷ niệm 15 năm Táo Quân, có 6 Táo lên chầu nhưng phần báo cáo đã được bỏ. Thay vào đó là 2 trò chơi: Catwalk và Giành ghế.

Việc dừng lại của Gặp nhau cuối năm hay còn gọi là Táo quân đã được đặt ra từ nhiều mùa trước. Và nhiều người cho rằng, khi chưa thực sự có được sự thay đổi phù hợp thì có lẽ dừng lại sẽ là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, so với các chương trình khác trong dịp Tết nguyên đán, chương trình Táo quân vẫn được đông đảo khán giả mong đợi. Mặc dù nội dung bị chê nhạt, kém hấp dẫn nhưng tỷ suất người xem vẫn không giảm. Vào năm thứ 14 phát sóng, Táo quân có tỷ suất người xem là 7,11% tại Hà Nội và 0,99% tại TP Hồ Chí Minh. Sang năm thứ 15, dù bị chê là gây thất vọng, nội dung nhạt nhẽo và lạm dụng quá nhiều quảng cáo, tỷ suất của chương trình này vẫn tăng mạnh, lên tới 12,69% tại Hà Nội và 1,81% tại TP.HCM, tỉ lệ chia sẻ trên 4 tuổi lần lượt là 33,82% và 7,91%. Và đến thời điểm hiện tại, khi thông tin dừng phát sóng Táo quân trong dịp Tết sắp tới cũng đang khiến không ít khán giả cảm thấy hụt hẫng khi "món ăn tinh thần" quen thuộc vào đêm 30 Tết dừng lại.