Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vì sao giá thịt ngoài chợ vẫn đắt đỏ dù các doanh nghiệp đã giảm sâu giá lợn hơi?

Giá lợn hơi đã về 70 nghìn đồng/kg nhưng ngoài chợ vẫn đến 150.000 - 180.000 đồng/kg.

Trong cuộc họp với các doanh nghiệp kinh doanh thịt do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn bộ 15/15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đồng tình giảm giá lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg kể từ ngày 01/4/2020. Theo lộ trình đến cuối quý 2 và quý 3 sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo khảo sát phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn vẫn được bán ở mức cao dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại thịt 3 chỉ, nạc vai hay sườn. Trong đó, giá sườn thăn nhiều nơi lên tới 170.000-180.000 đồng/kg.

Chị Hương, tiểu thương chuyên bán thịt lợn tại chợ Nam Đồng cho hay, giá thịt lợn những ngày gần đây đã giảm nhẹ từ 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại, tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì mức giá này không có quá nhiều thay đổi.

"Giá lợn không có dấu hiệu hạ nhiệt bởi còn phải phụ thuốc nhiều vào khu giết mổ, giá lấy hàng hiện ở mức 110.000-120.000 đồng/kg, sau khí tính đủ mọi chi phí, nhất là phí vận chuyển dạo này đắt đỏ, thì bắt buộc phải bán dao động từ 160.000-170.000 đồng/kg mới có lãi. Cả chợ bán như vậy do đó tôi cũng không thể một mình giảm giá được".

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp chăn nuôi lợn về việc giá thịt lợn tăng cao. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho biết, nguyên nhân của việc tăng giá thịt lợn là do nguồn cung thấp hơn cầu khi đàn lợn bị giảm vì dịch bệnh và do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch.

"Bên cạnh đó, có hiện tượng ‘găm hàng’, hạn chế bán để chờ giá lên", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài ra cơ cấu trong giá thịt lợn còn bất hợp lý (chi phí trung gian lớn 40-45%).

Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tăng cao do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi làm cho nguồn cung lợn và thịt lợn sụt giảm; trong đó, nguồn cung lợn giống giảm, giá cao làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Đa phần các lò giết mổ thịt lợn có quy mô nhỏ, không ký hợp đồng mua trực tiếp số lượng lợn lớn từ các công ty chăn nuôi lớn để giết mổ tập trung nên phải mua qua các đơn vị mua buôn (các đơn vị này có hợp đồng mua khối lượng lớn từ các công ty chăn nuôi), sau đó giết mổ và phân phối đến chợ bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh đó, do tập quán ưa thích tiêu dùng thịt lợn nóng của người dân nên đã tồn tại thực trạng có nhiều cấp trung gian thu mua và giết mổ lợn nằm rải rác tại các địa phương để thuận tiện trong hoạt động kinh doanh, giao bán hàng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm và dịch bệnh Covid-19 làm người dân lo ngại nên đã chuyển sang tiêu dùng thịt lợn hoặc xu hướng mua tích trữ thực phẩm khiến giá các sản phẩm lợn tăng.

Bộ Công Thương cho biết, giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá hơn so với giá lợn hơi bởi các cơ sở giết mổ có thể vẫn còn tồn kho một số lượng lợn hơi. Ngoài ra, do thực trạng chăn nuôi của Việt Nam còn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi, lò giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trên cả nước trong khi nguồn cung thịt lợn tại một số địa phương chưa hồi phục, còn thiếu sau ảnh hưởng của dịch tả Châu Phi. Bên cạnh đó, các yếu tố như lợi dụng tâm lý lo lắng trong dịch bệnh, một số tiểu thương tăng giá thịt lợn để trục lợi.