Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng nhất Đông Nam Á

Dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, Đông Nam Á đã tăng trưởng thấp hơn dự báo, dẫn đến sự điều chỉnh giảm nhẹ so với dự báo tăng trưởng hiện ở mức 4,8% (2019) và 4,9% (2020), giảm từ 4,9% (2019) và 5,0% (2020). Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng ấn tượng.

Điểm sáng đến từ Việt Nam

Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 ước tính là 6,8% so với cùng kỳ, bất chấp việc lĩnh vực nông nghiệp bị cản trở bởi dịch tả lợn châu Phi và hạn hán kéo dài. Tăng trưởng trong ngành công nghiệp - đặc biệt trong khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 27% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ.


Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Dệt may Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng.

Điểm lại tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2019, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho biết, bối cảnh thương mại và đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng.

Đáng chú ý là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,76%. Tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với giai đoạn 2011 - 2017.


Giám đốc NCIF cũng cho biết, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát tốt với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64% - mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2019; cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Minh đánh giá tình hình kinh tế vẫn tiềm ần nhiều khó khăn và thách thức. Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.

Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ y tế…

Dự báo tình hình trong nước 6 tháng cuối năm, Giám đốc NCIF cho rằng, một số yếu tố có thể tác động tích cực và tiêu cực tới Việt Nam, như việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ hay chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia dẫn đến nguy cơ áp thuế lẩn tránh thương mại.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách cải thiện môi trường đầu tư cũng như tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ là yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam.

Từ những phân tích trên, NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (6,6 - 6,8%).

Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng nhất Đông Nam Á - Ảnh 3.

Thủy hải sản Việt Nam được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 ở mức 6,96%, trong đó, quý 3 và 4 đều tăng trưởng trên 7%. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, đưa ra kịch bản lạc quan khi cho rằng Việt Nam vẫn còn những lợi thế trước sự dịch chuyển của dòng vốn FDI tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các Hiệp định CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ tạo nhiều cơ hội cho tăng trưởng các tháng cuối năm 2019.Nền kinh tế Đông Nam Á có xu hướng tăng trưởng chậm lại

Nền kinh tế Đông Nam Á có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại

"Bóng mây u ám", "cơn gió ngược"… là những từ được dùng thời gian qua để ví von với những gì mà nhiều nền kinh tế ở Đông Nam Á đối diện.

Theo Nikkei Asian Review, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu gây tổn hại đến khu vực Đông Nam Á vào cuối năm ngoái. Theo số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 được công bố ngày 19/8, một số nền kinh tế lớn của khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng chững lại so với quý 1. Thái Lan hay Singapore được xem là đối diện tình hình bi đát hơn, bởi các quốc gia này đang phải đối mặt với nhu cầu giảm đối với hàng điện tử xuất khẩu, vốn được xem là xương sống trong nền kinh tế của họ.Ngày 19/8, Thái Lan đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho cả năm 2019 xuống khoảng từ 2,7 - 3,2%. Đây không phải lần đầu tiên trong năm nay Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng, trước đó quốc gia này đã một lần hạ dự báo từ 3,8% xuống còn 3,3%. Trong quý 2, tốc độ tăng trưởng của xứ sở chùa vàng chỉ dao động quanh 2,3%, thấp nhất trong lịch sử. Văn phòng Hội đồng kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan nhận định, "sự giảm tốc của các nền kinh tế đối tác cũng như áp lực gia tăng từ các biện pháp bảo hộ thương mại" là yếu tố gây ra mức sụt giảm này. 

Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng nhất Đông Nam Á - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu chiếm 66% GDP của Thái Lan trong năm 2018. Thái Lan đã "nối gót" Singapore khi mà quốc đảo sư tử vào tuần trước cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ khoảng 1,5 - 2,5% xuống phạm vi 0 - 1%.Do lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử thu hẹp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore trong quý 2 ghi nhận ở mức 0,1%, thấp nhất trong 10 năm qua. Nền kinh tế Singapore nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược nghiêm trọng trong phần còn lại của năm 2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho hay, đồng thời họ còn chỉ ra "một bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức từ bên ngoài" cùng "tình trạng suy thoái sâu sắc trong chu kì thiết bị điện tử trên toàn cầu".

Các quốc gia khác trong khu vực có vẻ ít bị tổn thương nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, nhưng dữ liệu trong quý 2 cho thấy căng thẳng thương mại và sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu cũng ít nhiều ảnh hưởng đến họ.

Tăng trưởng của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã chạm mức thấp 2 năm là 5,05% trong quý 2 do giá hàng hóa xuất khẩu giảm, trong đó tiêu biểu là dầu cọ. Chính điều này đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Philippines đã chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng từ 5,6% quý 1 xuống 5,5% quý 2.Trước tình hình trên, Thái Lan đã công bố gói kích thích trị giá 316 tỷ baht (10,2 tỷ USD) để hỗ trợ nông dân và người có thu nhập thấp, giúp kích thích tiêu dùng trong nước và bù đắp lực cản từ nước ngoài.

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu mới đây cho rằng, tình hình kinh tế hiện tại của quốc đảo này không bảo đảm nếu đưa ra các chính sách kích thích ngay lập tức, nhưng ông nhấn mạnh "nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi sẽ nhanh chóng đáp ứng bằng các biện pháp can thiệp phù hợp để duy trì sinh kế của người lao động".

Các Ngân hàng Trung ương của Thái Lan và Philippines đã cắt giảm chính sách lãi suất của họ xuống 25 điểm cơ bản - lần lượt còn 1,5% và 4,25%. Ngân hàng Indonesia vào tháng 7 cũng đã giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 2 năm.

Với tăng trưởng chững lại trong quý 2 và môi trường bất ổn bên ngoài, Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trong khu vực đang chịu áp lực điều chỉnh nền kinh tế thông qua các biện pháp tiền tệ và tài khóa trong vài tháng tới.

"Các quốc gia Đông Nam Á có thể phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược liên quan đến tình trạng suy yếu trong hoạt động sản xuất, rủi ro thương mại và xáo trộn chuỗi cung ứng trong vài quý tới", Nikkei Asian Review dẫn lời nhà phân tích Margaret Yang của CMC Markets (Singapore).

Ngoài cắt giảm lãi suất, các nhà hoạch định chính sách có lẽ cần cung cấp kích thích tài khóa, giảm thuế và khuyến khích việc làm nếu suy thoái nghiêm trọng xuất hiện.