Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng

(Dân sinh) - Việt Nam đã đạt những kết quả nổi bật về Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng, đứng thứ 2 ASEAN và xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia. Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng (CRII) do Oxfam và tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế (DFI) đưa ra ngày 8/10.

Cũng theo báo cáo, 26 trong số 158 quốc gia có tỷ lệ chi ngân sách cho y tế đạt mức khuyến nghị 15% trước đại dịch. Ở 103 quốc gia, cứ 3 người lao động thì có ít nhất 1 người không được hưởng đầy đủ các quyền và biện pháp bảo vệ lao động cơ bản như trợ cấp ốm đau khi đại dịch xảy ra.

Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN về Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng - Ảnh 1.

Hỗ trợ người dân thiết bị để ứng phó dịch Covid-19.

Báo cáo CRII xếp hạng 158 chính phủ về các chính sách cho dịch vụ công, thuế và lao động - 3 lĩnh vực then chốt để giảm bất bình đẳng và vượt qua cơn bão đại dịch COVID-19. Báo cáo được đưa ra trước thềm Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần tới.

Ông Chema Vera, Quyền Giám đốc điều hành Oxfam Quốc tế cho biết: "Thất bại thảm hại của các chính phủ trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng đồng nghĩa với việc phần lớn các quốc gia đã không được chuẩn bị tốt để chống chọi với đại dịch. Hàng triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói và đã biết bao người chết vô nghĩa".

Chỉ số này cũng nhấn mạnh rằng, không một quốc gia nào hành động triệt để nhằm giải quyết bất bình đẳng trước đại dịch và khi COVID-19 được cảnh báo tại một số quốc gia thì nhiều quốc gia khác vẫn không có hành động thích đáng. Điều này góp phần châm ngòi cho cuộc khủng hoảng và làm gia tăng mức độ tổn thương của những người sống trong nghèo đói, đặc biệt là phụ nữ. 

Kenya, quốc gia được xếp hạng cao (thứ chín) về các chính sách thuế lũy tiến đã ứng phó với cuộc khủng hoảng bằng việc cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn và giàu có và đầu tư không đáng kể cho các biện pháp y tế và bảo trợ xã hội. Gần hai triệu người Kenya đã mất việc làm và hàng chục nghìn người sống trong các khu ổ chuột của Nairobi, khu vực nông thôn hầu như không nhận được sự trợ giúp nào từ chính phủ và đang phải vật lộn để kiếm ăn.

Tại Colombia, quốc gia xếp hạng thứ 94 trong số 158 quốc gia về quyền lao động, 22 triệu lao động phi chính thức không được trợ cấp ốm đau và buộc phải làm việc để nuôi gia đình ngay cả nếu bị mắc COVID-19. Trong khi đó, phụ nữ Colombia đang chịu gánh nặng của suy thoái kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp là 26%, trong khi đó ở nam giới chỉ chiếm 16%.

Togo và Namibia, hai quốc gia vốn đã có những bước tiến trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng trước khi đại dịch đã trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho những người lao động phi chính thức bị mất việc làm do các biện pháp phong tỏa. Ukraine, một trong những quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng thấp nhất thế giới, mặc dù có mức GDP tương đối thấp, đã tăng lương cho nhân viên y tế tuyến đầu lên tới 300%.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Bangladesh, quốc gia chỉ đứng ở vị trí 113 trong bảng xếp hạng, đã vượt lên bằng cách chi 11 triệu đô la tiền hỗ trợ cho các nhân viên y tế tuyến đầu, hầu hết trong số họ là phụ nữ. Cả Myanmar và Bangladesh đều đã bổ sung hơn 20 triệu người vào các chương trình bảo trợ xã hội của họ.

Trong khi một số quốc gia đang có những bước đi tích cực trước đại dịch COVID-19 ― Hàn Quốc đã tăng mức lương tối thiểu, Botswana, Costa Rica và Thái Lan đã tăng chi tiêu cho y tế và New Zealand tung ra ngân sách 'phúc lợi' để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em nghèo và bất bình đẳng thì nhiều quốc gia chỉ đạt được bước tiến nhỏ trong cuộc chiến chống bất bình đẳng và một số quốc gia thậm chí còn đang đi thụt lùi. Thậm chí nhiều quốc gia nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng, như Đức, Đan Mạch, Na Uy và Anh, vẫn chưa giữ đúng cam kết của mình nhằm thực thi các chính sách giảm bất bình đẳng như đánh thuế lũy tiến trong nhiều thập kỷ.

Phụ nữ thường có thu nhập ít hơn, tiền dành dụm ít hơn và công việc của họ thường không ổn định, đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh phong tỏa được đưa ra để đối phó với đại dịch trong khi các công việc chăm sóc không được trả lương và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng đáng kể. Gần một nửa số quốc gia trên thế giới không có luật pháp đầy đủ về tấn công tình dục; và 10 quốc gia, bao gồm cả Singapore và Sierra Leone, không có luật về trả lương bình đẳng hay chống phân biệt giới.

Cũng theo báo cáo, năm 2020, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia.

Việt Nam được đánh giá cao vì những thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19 từ việc nhanh chóng triển khai những biện pháp ngăn chặn, xét nghiệm, truy vết và cách ly, cũng như truyền thông đại chúng. Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng, thông qua việc triển khai gói cứu trợ trị giá 2,7 tỷ USD cho 20 triệu người dễ bị tổn thương, và chi trả một khoản trợ cấp trị giá 1,8 triệu đồng/ tháng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng.

Những tiến bộ trong thời gian gần đây về các lĩnh vực chính sách hướng tới giảm bất bình đẳng cũng rất ấn tượng. Xét tương quan với thế giới và khu vực, Việt Nam đang làm tốt hơn về chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội, hiệu suất thu thuế cao, và thúc đẩy các quyền của phụ nữ trong lao động. Tuy nhiên, phân tích cũng chỉ ra sự cần thiết phải củng cố các chính sách lấy con người làm trung tâm nhằm giảm bất bình đẳng. Oxfam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc các giải pháp chính sách về dịch vụ công, thuế và lao động.