Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí liên quan tới trẻ em

(Dân sinh) - Hôm nay 27/5, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và nhân dân cả nước. Báo Dân sinh xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp này.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, thay mặt Chính phủ, tôi trân trọng cám ơn Quốc hội, Đoàn Giám sát, các cơ quan, tổ chức cùng toàn thể nhân dân đã luôn chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và trong phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Đặc biệt, quá trình đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" và hoàn thiện Báo cáo giám sát vừa qua đã có tác động rất tích cực để các cấp chính quyền cùng toàn xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Như nhiều ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội đã phát biểu, báo cáo của Đoàn Giám sát được đúc kết, tổng hợp từ công tác giám sát rất nghiêm túc, khoa học; được tiếp thu, hoàn thiện kỹ lưỡng đã cho thấy thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em, đặt trong tương quan tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước và mối quan hệ, hợp tác quốc tế cũng như trong tổng thể công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt báo cáo đã phân tích bối cảnh tình hình mới từ đó đề ra các giải pháp, khuyến nghị rất cụ thể với các cơ quan trong cả hệ thống cũng như toàn xã hội.

Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng để trẻ em Việt Nam được sinh ra, sống, trưởng thành trong môi trường, điều kiện tốt nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta và truyền thống tốt đẹp của Dân tộc Việt Nam; để trẻ em kế tiếp các lớp cha anh trở thành là chủ nhân của đất nước, đưa đất nước phát triển như câu nói "Con hơn cha là nhà có phúc" mà người Việt Nam đều thuộc.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí liên quan tới trẻ em  - Ảnh 1.

Báo cáo Giám sát, Dự thảo Nghị quyết Giám sát cũng như các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đã rất sâu sắc, toàn diện. 

Tôi chỉ xin được đề cập một vài điểm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan chú ý trong quá trình thực hiện công tác trẻ em, đặc biệt trong việc chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 như sau:

Thứ nhất, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án… cần đặc biệt chú trọng các chỉ số, tiêu chí, giải pháp… liên quan tới chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt cần có các chương trình, đề án, dự án cụ thể đối với các vấn đề về giới, trẻ em vùng núi, vùng dân tộc ít người và nhóm trẻ em yếu thế…

Đối với công tác trẻ em, cần chú trọng đặc biệt công tác chăm sóc, giáo dục bên cạnh bảo vệ. Trong công tác bảo vệ cần đặc biệt chú ý phòng xâm hại bên cạnh việc chống.

Thứ hai, từ yêu cầu phòng cần tiếp cận theo mô hình quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định, giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu. Muốn vậy cần xác định, hệ thống hóa những nguy cơ và hình thành ngay cơ sở dữ liệu về trẻ em.

Thứ ba, cần phân tích những yếu tố có tính tập tục, thói quen không còn phù hợp như "yêu cho roi cho vọt", thói quen bao bọc trẻ em hơn mức cần thiết từ đó dẫn tới hạn chế việc lắng nghe trẻ em nói, lắng nghe thiếu niên nói). Bên cạnh đó cần tập trung vào những tác động mặt trái của công nghệ, của hội nhập (internet, phim ảnh, du lịch…) , để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp.

Thứ tư, cần tăng cường phối hợp không chỉ giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, MTTQ dưới sự lãnh đạo của Đảng mà cần chú ý phối hợp với các tổ chức xã hội. Hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp không chỉ là của các cơ quan Nhà nước mà của toàn xã hội.

Thứ năm, bên cạnh yêu cầu điều tra, xét xử để trừng trị những người vi phạm pháp luật, bảo vệ nạn nhân cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một mặt giảm thực chất các hành vi vi phạm, xâm hại trẻ em. Mặt khác, tỷ lệ vụ việc vi phạm được tố giác, xử lý được nâng lên. Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan hành chính, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm sát, tòa án để mảng công tác này tiếp tục có những tiến bộ thực chất.

Điểm cuối, là mặc dù pháp luật còn cần tiếp tục hoàn thiện, các chương trình, đề án… cần được tiếp tục xây dựng như Báo cáo khuyến nghị, nhưng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện.

Ngay trong giai đoạn thực hiện giám sát, bên cạnh Luật Trẻ em đã có 18 Luật, 34 Nghị định, Chương trình, Đề án cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 32 văn bản của các bộ, ngành ban hành liên quan đến công tác trẻ em đã tương đối đầy đủ.

Quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Để làm tốt khâu này thì những yếu tố như bộ máy, ngân sách là rất quan trọng nhưng quan trọng hàng đầu là nhận thức. Một khi người đứng đầu các cơ quan nhận thức sâu sắc, đầy đủ thì sẽ có giải pháp, sẽ ưu tiên nguồn lực.

Vì vậy, các đề án, chương trình tới đây của Chính phủ phải xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan và trách nhiệm của người đứng đầu.

Kính thưa Quốc hội,

Như báo cáo giám sát cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phân tích, chúng ta không thể hài lòng với số vụ việc trẻ em bị xâm hại nhưng chúng ta cũng vững tin vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, cam kết thực hiện chương trình nghị sự của LHQ về phát triển bền vững mà Việt Năam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng với rất nhiều các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan tới trẻ em đạt mức cao hơn nhiều so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển.

Chúng ta không hài lòng đối với một số cơ quan chính quyền chưa nhận thức tốt, chưa tập trung đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em. Nhưng chúng ta cũng không quên ghi nhận, tôn vinh phần đông các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành luôn nỗ lực dành cho công tác trẻ em nhiều tâm huyết. Hình ảnh những cô giáo gùi chữ lên bản, các thầy thuốc băng rừng tiêm chủng cho trẻ em, phần nào nói lên điều đó.

Chúng ta nhận thức rõ những tập tục, thói quen không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại mà chúng ta cần từng bước điều chỉnh nhưng chúng ta cũng hết sức tự hào với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã làm lên những giá trị văn hóa, nhân văn được thế giới trân trọng, ngưỡng mộ, trong đó có truyền thống hiếu thảo trong gia đình, các thế hệ yêu thương, chăm lo đùm bọc lẫn nhau.

Những vụ việc trẻ em bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục, bởi người thân, bởi thầy giáo hay người ruột thịt là rất đáng lên án, và phải xử lý nghiêm khắc nhưng cũng chỉ là rất cá biệt, không làm thay đổi được hình ảnh tốt đẹp của người thầy hay giá trị của gia đình Việt Nam.

Kính thưa Quốc hội,

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung, và công tác phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội./.