Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Việt Nam và ILO kỷ niệm hành trình thế kỷ đấu tranh vì công bằng xã hội

Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ILO diễn ra trong bối cảnh hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bày tỏ lòng tưởng nhớ và niềm kính trọng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (1969 - 2019), qua đó một lần nữa khẳng định những tư tưởng giá trị còn mãi với thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà sáng lập ILO về lao động và an sinh xã hội.

Việt Nam và ILO kỷ niệm hành trình thế kỷ đấu tranh vì công bằng xã hội - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sứ mệnh của ILO: Nguyên giá trị

Hôm nay, ngày 27/8/2019, tại Hà Nội, các đối tác ba bên gồm Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 100 năm thành lập ILO (1919 - 2019), với chủ đề: "Những tư tưởng tương đồng của Hồ Chí Minh và ILO hướng tới việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người".

ILO đã chính thức được thành lập sau Hội nghị Hòa bình Paris và trên cơ sở Hiệp ước Véc xây về kết thúc Thế chiến Thứ nhất, vào năm 1919.

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, suốt 100 năm qua, Chính phủ các quốc gia thành viên cùng với các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động đã không ngừng cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu cao cả của ILO, đó là một nền hòa bình bền vững trên cơ sở công bằng xã hội.

Năm 1919, trong bức thư gửi tới Hội nghị Hòa bình Paris, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đòi quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam, trong đó có quyền được "tự do hội họp và quyền được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp".

Tiếp sau đó, Sắc lệnh 29/SL do Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành năm 1947, được coi là pháp luật lao động đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, mở đầu cho những nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Lao động ngày nay.

Việt Nam và ILO kỷ niệm hành trình thế kỷ đấu tranh vì công bằng xã hội - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Các lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và sứ mệnh của ILO vẫn còn nguyên giá trị


"Trong kỷ nguyên phát triển mới này, các lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và sứ mệnh của ILO vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được hiện thực hóa trong nền kinh tế thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với các nguyên tắc định hướng về phát triển bền vững, bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Việt Nam coi trọng sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của ILO

Giám đốc ILO tại Việt Nam, tiến sỹ Chang-Hee Lee hoan nghênh Tuyên bố ba bên: “Vai trò của các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động đang ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tôi vui mừng chứng kiến mối quan hệ đối tác ba bên đó khởi sắc tại Việt Nam và hy vọng mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục định hình một tương lai việc làm công bằng và bao trùm cho đất nước”.

Giám đốc ILO tại Việt Nam, tiến sỹ Chang-Hee Lee

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Chúng ta cũng rất vui mừng nhận thấy trong suốt mấy thập kỷ qua, Việt Nam và ILO đã cùng nhau hợp tác để hiện thực hóa tư tưởng tương đồng của những nhà sáng lập ILO và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công bằng xã hội, việc làm bền vững vì hòa bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người".

Kể từ khi gia nhập ILO năm 1992, Việt Nam luôn ủng hộ những mục tiêu cao cả của ILO. Là một thành viên có trách nhiệm của ILO, Việt Nam cam kết tôn trọng, thúc đẩy và áp dụng những tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm những tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO, trong đó bao gồm 6 công ước cơ bản.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 tháng 6/2019, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước cơ bản số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, với 100% đại biểu Quốc hội ủng hộ tuyệt đối.

Việt Nam và ILO kỷ niệm hành trình thế kỷ đấu tranh vì công bằng xã hội - Ảnh 4.

Phó Tổng Giám đốc ILO Deborah Greenfield,


Việt Nam và ILO kỷ niệm hành trình thế kỷ đấu tranh vì công bằng xã hội - Ảnh 4.

Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ILO

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng chuyển dịch lao động đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động, những thách thức này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu không có tầm nhìn, không có các bước chuẩn bị chủ động cần thiết thì thời cơ của cuộc Cách mạng sẽ bị bỏ lỡ và trở thành thách thức lớn hơn, mà cụ thể, trực tiếp nhất là dư thừa lao động thiếu kỹ năng mới.

Theo đó, Phó Thủ tướng khẳng định, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm thỏa đáng, bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển bền vững với con người là trung tâm và không ai bị đứng ngoài, bị bỏ lại phía sau.

"Việt Nam đã nỗ lực tập trung cho xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả rõ nét, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết: "Chúng tôi cũng luôn tập trung ưu tiên cải thiện chính sách an sinh xã hội nhằm tạo ra môi trường lao động hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế".

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam và ILO gặp nhau ở ý chí và hành động nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ dựa trên các nguyên tắc cơ bản của ILO.

Tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan của Chính phủ phụ trách lĩnh vực lao động và an sinh xã hội luôn phối hợp chặt chẽ với tổ chức đại diện của người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách về lao động cũng như triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Đảm bảo việc làm thỏa đáng và mang lại hạnh phúc cho mọi người

Tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc ILO Deborah Greenfield nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động đối với Việt Nam. Theo bà Deborah Greenfield, việc tuân thủ Tuyên bố 1998 không chỉ về mặt luật pháp mà còn trong thực tiễn, đã trở thành nền tảng của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.

Việt Nam và ILO kỷ niệm hành trình thế kỷ đấu tranh vì công bằng xã hội - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự

Các đối tác ba bên của Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với ILO phấn đấu cho mục tiêu việc làm bền vững và thỏa đáng cho tất cả mọi người và hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn về Tương lai Việc làm được nêu trong bản Tuyên bố Thế kỷ của ILO mới được thông qua tại Hội nghị Lao động Quốc tế có ý nghĩa lịch sử được tổ chức vào tháng 6 năm 2019, các đối tác ba bên của Việt Nam đã tự hào cùng tham dự.

Theo bà Debora Greenfield, hôm nay đây, Việt Nam kỷ niệm 100 năm đồng hành với ILO và ở hành trình đó - những người sáng lập ILO và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng chung lý tưởng nhằm đảm bảo việc làm thỏa đáng và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Là một trong những quốc gia phát triển năng động nhất trên thế giới, bà Debora Greenfield khẳng định, tương lai việc làm sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển, và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao mà Việt Nam hướng đến.

"ILO luôn đồng hành để Việt Nam thực hiện quãng đường đó, và đây cũng là mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn từ 100 năm trước", bà Debora Greenfield nhấn mạnh.

Tại Lễ kỷ niệm, các chuyên gia, diễn giả đã tham gia thảo luận về Lịch sử phát triển chính sách lao động - xã hội của Việt Nam hướng tới việc làm thỏa đáng; ILO 100 năm - chặng đường cùng Việt Nam hướng tới việc làm thỏa đáng cho mọi người…

Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ILO, các đối tác ba bên của Việt Nam một lần nữa khẳng định và tôn vinh những tư tưởng và tầm nhìn vượt thời đại, mang tầm quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội.

Cũng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 100 năm ILO, các đối tác ba bên của Việt Nam gồm Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng với ILO đã ra Tuyên bố chung.