Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vinh danh những tấm gương lao động EPS hồi hương thành công

Tiếp thành công của các năm từ 2017 - 2021, năm 2022 là năm thứ 6 cuộc thi Lao động EPS hồi hương thành công được tổ chức, đã thu hút nhiều lao động EPS về nước tham gia. Tại cuộc thi này, rất nhiều tấm gương thành công đã được vinh danh. Họ là những lao động từng đi làm việc tại Hàn Quốc, Hết hợp đồng lao động, trở về nước, với kinh nghiệm làm việc, bằng sự cố gắng, chăm chỉ và quyết tâm, cộng với nguồn thu nhập tích lũy được trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc, họ đã và đang khởi nghiệp thành công tại quê hương mình…

Chúng  tôi gặp Bùi Văn Hiếu (quê xã Điền Quang, huyện  Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa)  tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội khi Hiếu đến để nhận giải nhất cuộc thi Lao động EPS hồi hương thành công  Sang Hàn từ năm 2010, Hiếu đầu quân cho một nhà máy sản xuất và lắp đặt hệ thống đường ống thoát khí các chung cư với mức lương 25 triệu đồng/ tháng. Tại Hàn Quốc, không chỉ là một lao động giởi, Hiếu  còn khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Hàn Quốc ,  được tặng nhiều Giấy khen của công ty, được Thị trưởng Thành phố Hoa Soong nơi Hiếu làm việc tặng bằng khen. Hiếu cũng vinh dự là người Việt Nam theo diện Visa E9 đầu tiên được Đài truyền hình KBS Hàn Quốc mời tham gia chương trình phát sóng về tấm gương tiêu biểu. Hiếu cũng được tặng Giấy khen của Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, của Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc và được cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc tín nhiệm bầu làm Phó trưởng ban tổ chức sự kiện Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc. Đến năm 2018, chính nhờ năng nổ với các hoạt động xã hội  nên giám đốc Cty IC Food  đã để mắt đến Hiếu và kéo về công ty của mình. Năm 2020, thời điểm Hiếu kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc cũng là thời điểm Cty IC Food xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Hiếu trở thành quản lý bộ phận sản xuất của công ty này tại TP.HCM. Hiện nay, ngoài mức lương Cty trả khoảng 30 triệu/tháng, Hiếu còn đầu tư và quản lý từ xa một trang trại chăn nuôi gà và heo rừng với khoảng 3000 con gà và hơn 50 con heo rừng tại quê nhà, mang lại nguồn thu khoảng 200 triệu/ năm.  “Mặc dù lương bên Hàn có thể cao hơn nhưng cuộc sống không thể di làm thuê nơi đất mãi được  vì vậy em quyết định trở về lập nghiệp trên quê hương mình” Hiếu tâm sự.

Vũ Đình Gió (xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) cũng thay đổi hoàn toàn sau 4 năm đi làm việc ở nước ngoài. Trở về nước sau hơn 4 năm đi làm việc tại Hàn Quốc, Gió đã mang theo giống dâu tây Hàn Quốc về quê khởi nghiệp, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Năm 2014, Gió tham gia chương trình EPS sang làm việc tại Hàn Quốc ngành nông nghiệp, qua nước bạn thì được giao trồng rau xanh và trồng dâu tại vườn công nghệ cao. Với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, sau tăng lên 30-40 triệu/tháng, cuối năm 2019, Gió về nước mang theo một số vốn kha khá và bắt tay vào vụ dâu tây đầu tiên ngay trên mảnh đất quê hương. Vụ đầu tiên, thiệt hại hơn 100 triệu đồng dù làm đúng kỹ thuật như đã được học tại Hàn Quốc.

"Thời gian đầu khởi nghiệp gian nan lắm. Mang được giống dâu từ Hàn Quốc về tưởng ngon lành nhưng nào ngờ, khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp, việc chăm sóc khó khăn vô cùng. Lúc mua được giống về, tôi lại gặp bế tắc vì chưa có phân bón, đến lúc có phân bón thì nguồn nước lại chưa xử lý được... nên cây trồng chết hết. Dù có mấy năm kinh nghiệm trồng dâu bên Hàn Quốc  nhưng khi về Việt Nam, phải mất 1-2 lần thất bại, tôi mới rút ra được quy trình sản xuất phù hợp, từ đó cây dâu mới phát triển tốt, cho quả.", Gió cho biết.

IMG-0206

Với diện tích trồng dâu hiện tại, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả, bán với giá từ 200-400 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm vườn dâu của  Vũ Đình Gió mang về cho anh hơn 300 triệu đồng. Chia sẻ về dự định sắp tới, Gió cho biết sẽ mở rộng sản xuất để tạo việc làm cho người dân trong bản, đồng thời ấp ủ xây dựng trang trại theo hướng vừa sản xuất vừa làm du lịch cộng đồng theo mùa vụ. Trong chuyến công tác lên Bắc Hà, Lào Cai, chị Lương Kim Dung- cán bộ của Trung tâm lao động ngoài nước đã gặp Gió và tận mắt chứng kiến mô hình trồng dâu trên sườn núi của chàng  thanh niên dân tộc này. Được sự động viên của chị Dung, Gió đã tham gia cuộc thi Lao động EPS hồi hương thành công và đoạt giải Nhì.

Lê Văn Lâm, người đoạt giải ba trong cuộc thi quê xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2015, Lâm sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Làm trong ngành cơ khí, chuyên sản xuất khuôn và lắp đặt cửa ô tô nên thu nhập của Lâm rất cao, khoảng 80-100 triệu đồng/ tháng. Trở về nước năm 2020, số tiền Lâm kiếm được sau 5 năm làm việc tại Hàn Quốc ngoài giúp đỡ bố mẹ mua đất, làm nhà, Lâm đã dùng để mở trang trại nuôi hươu. Đến nay, trang trại của Lâm đã có 31 con hươu lấy nhung. Một năm hai lần cắt nhung, thêm vào đó là bán con giống, thu nhâp từ trang trại của Lâm mỗi năm đạt khoảng 200 triệu đồng.

Là một trong những người đầu tiên nuôi hươu ở Thanh Hóa,  tuy nhiên, Lâm cho biết, quyết định này lúc đầu cũng gặp phải sự phản đối của gia đình bởi với mức lương khoảng 100 triệu/ tháng tại Hàn Quốc so với thu nhập 200 triệu/ năm từ nuôi hươu thì bài toán kinh tế nhìn đã thấy rất rõ. “Sau khi em về, ông giám đốc bên Hàn gọi suốt nhưng  em quyết định không quay trở lại Hàn Quốc nữa mà ở lại quê hương để khởi nghiệp. Nuôi dê khá đơn giản, lại ít dịch bệnh, ngày chúng chỉ ăn một nắm cỏ, giai đoạn lấy nhung có thể bổ sung tinh bột như ngô, gạo nếp. Hiện nhung hươu và con giống em đang tiêu thụ tại địa phương và khu vực lân cận rất tốt. Em sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng trang trại. Bây giờ có thể chỉ thu nhập 200 triệu/ năm nhưng tiềm năng còn rất lớn,”- Lầm tự tin cho biết.

Trang trại nuôi hươu của Lê Văn Lâm

Trang trại nuôi hươu của Lê Văn Lâm

Lam- huou 1

Tại lễ trao giải cuộc thi Lao động EPS hồi hương thành công mới đây, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng cho biết, trong hơn 18 năm qua, cả nước đã có gần 120.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, trên 8.000 lượt người lao động sang thực tập kỹ thuật sinh tại Nhật Bản theo chương tình IM Japan. Các chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình người lao động.

Đến nay, đã có gần 90.000 người lao động tham gia 2 chương trình này về nước - đây là lực lượng lao động có kinh nghiệm với nhiều ngành nghề khác nhau. Họ có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật, am hiểu văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, cách thức làm việc của các DN Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong số những người lao động đã về nước có rất nhiều người bằng kiến thức và kinh nghiệm và số vốn tích lũy được đã khởi nghiệp thành công hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các DN. 

Biểu dương và đánh giá cao những tấm gương lao động EPS thành công, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cũng khẳng định, chủ trương của chúng ta là đưa lao động có trình độ chuyên môn đi làm việc ở nước ngoài, thông qua đó, lao động được đào tạo thêm về kỹ năng, ngoại ngữ. Sau này về nước, sử dụng họ có hiệu quả để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.

 “Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để họ kiếm nhiều tiền hơn để tăng thu nhập cho gia đình mà nhìn rộng hơn là để họ được trang bị kiến thức để nâng cao kỹ năng làm việc, tính kỷ luật trong công việc của người lao động rồi sau đó, họ trở về nước đóng góp cho đất nước.”- Ông  Liêm nhấn mạnh.