Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vĩnh Long: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”

(Dân sinh) - Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vĩnh Long, từ ngày 09/7/2021 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các hoạt kinh doanh dịch vụ (trừ dịch vụ thiết yếu) phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động.

Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, người lao động bị ngừng việc làm

Theo chủ trương của UBND tỉnh, từ ngày 01/8/2021, những doanh nghiệp không đảm bảo theo phương án "3 tại chỗ" phải tạm dừng hoạt động. Dẫn tới trên 90% các cơ sở, doanh nghiệp đều tạm dừng hoạt động, kéo theo toàn bộ lao động làm việc, phục vụ cho các hoạt động trên tạm thời bị mất việc làm. Trong các nhóm ngành, lĩnh vực chịu sự tác động thì khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động hơn, khu vực dịch vụ chịu tác động nhiều hơn và khu vực sản xuất công nghiệp chịu tác động nặng nề nhất.

Số liệu báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long cho thấy, tính đến ngày 13/9/2021, trên địa bàn tỉnh chỉ có 72% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và 1% doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp duy trì hoạt động theo phương án "3 tại chỗ". Tuy nhiên, các đơn vị này đều phải cắt giảm trên 90% lao động, toàn bộ lao động trong các doanh nghiệp này đều bị ngưng việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp duy trì hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" cũng phải tăng chi phí cho các yêu cầu phòng chống dịch và người lao động cũng tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19; những doanh nghiệp đáp ứng được thì cũng phải tăng chi phí gấp 2 đến 3 lần và chỉ sử dụng được 20 - 30% lao động.

Vĩnh Long: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp ở KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long đã phạm tạm ngừng sản xuất để phòng chống dịch

Ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Long cho biết: Trong tổng số 46 doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 33 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" phải cắt giảm lao động dẫn đến 40.769 lao động đang phải tạm ngưng làm việc… Còn trong tổng số 2.709 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, có 2.681 doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động, 28 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" phải cắt giảm lao động với 30.097 lao động phải tạm ngừng làm việc. Như vậy, tính tới ngày 13/9, tổng số lao động phải tạm ngừng việc trên địa toàn tỉnh lên tới hơn 70,8 nghìn người.

Bên cạnh đó, do áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 và thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, phần lớn các hộ kinh doanh cũng phải tạm dừng hoạt động, các hợp tác xã phải cắt giảm lao động, chỉ duy trì người trực để xử lý công việc phát sinh. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 18.000/22.500 hộ kinh doanh với 54.000/67.500 lao động bị ảnh hưởng; có 181 hợp tác xã với khoảng 1.600/1.810 lao động bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, qua rà soát thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, đến nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 25.000 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, dự kiến số lao động này khoảng trên 30.000 người.

Vĩnh Long: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long trao quà cho đại diện cho công nhân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19

Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi (huyện Long Hồ), một trong những doanh nghiệp đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" nêu kiến tỉnh cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp được tiêm vắc xin đầy đủ để doanh nghiệp dần trở lại hoạt động bình thường; hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 và hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập tổ y tế tại chỗ và tự thực hiện test nhanh COVID-19 cho công nhân của đơn vị và báo cáo với ngành chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng cũng cân nhắc xem xét giảm thuế, phí cũng như hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay. Ngoài các quy định về hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 địa điểm", cần bổ sung và hướng dẫn các hình thức sản xuất an toàn khác để doanh nghiệp lựa chọn theo hướng thuận lợi và dễ thực hiện cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Còn theo ông Trần Văn Khái, trước mắt, tỉnh Vĩnh Long sẽ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài các chính sách đã ban hành, bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí, các khoản đóng góp... của người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp do không thực hiện đảm bảo thời gian hợp đồng với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài để duy trì các hợp đồng cung ứng sản phẩm, giảm thiệt hại phải bồi thường hợp đồng với đối tác.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã cho ý kiến về việc các cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng trên địa bàn được tiếp tục hoạt động theo Chỉ thị 15/CT-TTg (tạm dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa được hoạt động trở lại đến khi có thông báo mới); tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh "3 tại chỗ" hoặc các phương án 2 tại chỗ - vùng xanh (phương án vùng xanh sau khi có chủ trương thực hiện) trình cấp thẩm quyền phê duyệt đảm bảo phương châm "an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn"…

THÙY HƯƠNG

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ