Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Võ sư Thiếu Lâm: 5 trở ngại bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải, chỉ người vượt qua được mới thực sự "chạm đích" cuộc đời

Cuộc đời như một hành trình không bằng phẳng, những trở ngại đôi khi xuất phát từ chính cái tâm của mỗi người. Chỉ khi vượt qua, làm chủ chính mình cuộc sống mới hài hòa, trọn vẹn.

Võ sư Shi Heng Yi thuộc thế hệ thứ 35 của các võ sư Thiếu Lâm và là hiệu trưởng của Thiếu Lâm Tự Châu Âu, đặt tại Đức. Trong buổi nói chuyện tại TEDx, võ sư Thiếu Lâm Shi Heng Yi ví cuộc đời như một cuộc hành trình. Tất cả chúng ta đều có nơi chúng ta muốn đến, những điều muốn chứng kiến và trải nghiệm.

Để làm được điều đó, cuộc hành trình này đòi hỏi phải không có sự cản trở từ yếu tố bên trong con người. Con đường có thể gập ghềnh nhưng tâm phải trong suốt mới đạt được mục tiêu của mình. Võ sư Shi Heng Yi đã chỉ ra 5 chướng ngại của việc tự làm chủ bản thân. Nếu có thể vượt qua được, bạn mới có thể đưa ra những quyết định thông minh để tới gần mục tiêu cuộc sống, hạnh phúc hơn, hài hòa hơn.

Ham muốn

Võ sư Yi đã giải thích sự ham muốn của con người thông qua một câu chuyện. Có một người đi lên núi để ngắm cảnh nhưng bị mùi thơm phát từ một nhà hàng gần đó làm cho cuốn hút. Nhà hàng không chỉ có thức ăn ngon mà cách bày trí nhà hàng cũng rất đẹp, và mục tiêu ban đầu của người này đã bị thay đổi bởi cảm quan của mình. 

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta khi chúng ta đánh mất mục tiêu ban đầu và bị phân tâm bởi các yếu tố như cảnh vật, mùi, âm thanh, vị và cảm giác. Giảm cân sẽ luôn là một giấc mơ nếu bạn không thể bỏ qua hương thơm và vị ngon của các món ăn béo ngậy. Một mối quan hệ không thể hạnh phúc nếu bạn luôn bị lung lay bởi ai đó trông có vẻ hấp dẫn hơn.

Ham muốn không phải luôn luôn xấu. Tuy nhiên, bất kỳ mong muốn nào dù lành mạnh hay không cũng có thể biến thành nỗi ám ảnh, thậm chí "gây nghiện", khiến chúng ta mất tập trung vào các mục tiêu của mình. Cách duy nhất để có thể chống lại cám dỗ là luôn ý thức sâu sắc về mục tiêu của bản thân, suy nghĩ về hậu quả cuối cùng về việc nhượng bộ những ham muốn đó. 

Sự ác cảm

Tiếp tục với hành trình tương tự, khi một người đang trên đường tới đỉnh núi, trời bắt đầu đổ mưa. Người này không thích mưa và sự chán ghét này khiến họ dừng lại hoặc từ bỏ hoàn toàn. 

Trong cuộc hành trình của mỗi người sẽ luôn xuất hiện những thứ khiến bạn khó chịu. Ví dụ bạn gặp điều gì đó làm khơi dậy ký ức đau buồn trong quá khứ của bạn. Nếu bạn có thể đối mặt và vượt qua những tổn thương, bạn sẽ nắm được chìa khóa để chữa lành cho vết thương từ quá khứ và tiếp tục cuộc hành trình của bạn. Nếu bạn né tránh không dám đối diện, vết thương sẽ mãi đeo đuổi bạn.

Sự chán nản

Sự cản trở này được ví như bị nhốt trong xà lim. Cả thể chất và tinh thần của bạn không có khả năng làm bất cứ điều gì. Bạn không có động lực và không muốn làm bất kỳ điều gì. 

Bạn có thể muốn đi bộ lên núi, nhưng bạn không di chuyển vì tâm trí của bạn không có cảm hứng để di chuyển. Bạn có thể muốn làm điều gì đó với cuộc sống của mình, nhưng bạn đã ngăn chính mình làm điều đó. Vấn đề ở đây không phải do bạn không đủ sức khỏe để leo núi mà là tinh thần của bạn không đủ sự quyết tâm và hứng khởi.

Sự bồn chồn

Bạn đi leo núi nhưng thay vì những bước chân di chuyển, bạn lại ở dưới chân núi và nghĩ về việc mình đang tận hưởng những giây phút chiến thắng ở trên đỉnh. Sự cản trở này xuất phát từ việc bạn không chấp nhận vị trí của bạn ở hiện tại.

Cũng có thể bạn đang bị ám ảnh bởi quá khứ. Có những ngọn núi khác bạn muốn leo, những cuộc hành trình khác bạn đã cố gắng thực hiện nhưng đều thất bại nên bạn nghĩ rằng điều này cũng sẽ thất bại. Hoặc, bạn tập trung vào những thành công trong quá khứ chứ không phải hiện tại là đang mong muốn chinh phục một cái gì đó mới.

Dù sự cản trở biểu hiện theo cách nào, bạn cũng bồn chồn, khó chịu và không thể tiến về phía trước.

Sự hoài nghi

Võ sư Thiếu Lâm: 5 trở ngại bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải, chỉ người vượt qua được mới thực sự chạm đích cuộc đời - Ảnh 2.

Bởi vì chúng ta không biết tất cả mọi thứ nên chúng ta phải thử. Nhưng cùng với đó là tâm lý lo sợ mắc sai lầm và thất bại nên chúng ta bị mắc kẹt trong sự thiếu quyết đoán.

Chúng ta sợ bị đánh giá, bị tổn thương, thất bại hoặc đau khổ theo một cách nào đó. Chúng ta muốn biết điều gì sẽ xảy ra trước khi quyết định sẽ đi theo một con đường nào đó, nhưng vì không thể biết trước tương lai nên chúng ta cứ bị mắc kẹt ở hiện tại.

Trước khi bắt tay làm gì đó, chúng ta thường tính toán làm cách nào để ít gây tổn hại nhất nhưng bạn biết đấy, chỉ khi bạn bắt tay vào làm thì bạn mới nhận được kết quả.

Lời khuyên của võ sư cho mỗi người là:

- Nhận diện những trở ngại của bạn

- Chấp nhận hiện tại

- Tìm hiểu lý do tại sao bạn gặp trở ngại này, xem xét trước hậu quả và bắt tay ngay vào việc

- Không nhận dạng cảm xúc của bạn, hãy để lý trí thực hiện nhiệm vụ của nó

Theo Medium