Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 11: Thêm động lực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tỉnh Ninh Bình

Ngay sau khi được Trung ương giao chỉ tiêu vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11), Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Ninh Bình (NHCSXH) đã khẩn trương đưa vốn đến đối tượng thụ hưởng với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

   

Từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần quan trọng giúp cho hơn 130 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Để triển khai hiệu quả các chương trình này, NHCSXH đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để đôn đốc triển khai thực hiện; niêm yết công khai chính sách tại điểm giao dịch xã để tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ và sớm giải ngân vốn vay đến khách hàng.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết: "Thực hiện Nghị định của Chính phủ về Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở ngành và 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với NHCSXH tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả. Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố đã tích cực, chủ động tham mưu UBND các cấp bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngay từ những ngày đầu năm. Tính đến ngày 30/11/2022 doanh số cho vay là trên 400.000 triệu đồng, với hơn 7.000 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là hơn 130 tỷ đồng, với gần 3.000 lượt lao động được vay vốn.

Gia đình bà Lê Thị Quế, Thôn La Vân, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) có trang trại nuôi thỏ thời điểm cao nhất lên tới 1.000 con. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với khó khăn trong tìm đầu ra và sức ép duy trì đàn nuôi khiến gia đình bà phải chịu thua lỗ. Sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay, bà Quế rất phấn khởi vì việc chăn nuôi của gia đình được thuận lợi hơn. Do tác động của dịch Covid-19, mất mấy tháng gia đình bà không làm ăn, kinh doanh được, việc chăm sóc đàn thỏ cũng không được chu toàn, nguồn vốn rất ít, có lúc không đủ để mua thức ăn chăn nuôi. Khi được biết đến nguồn vốn cho vay phục hồi, phát triển kinh tế, bà đã làm đơn và vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ nguồn vốn này mà gia đình bà đã với bớt được khó khăn, để tiếp tục đầu tư, phục hồi đàn thỏ như trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Trang trại nuôi thỏ của gia đình bà Lê Thị Quế, Thôn La Vân, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình)

Trang trại nuôi thỏ của gia đình bà Lê Thị Quế, Thôn La Vân, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình)

Cùng với gia đình bà Lê Thi Quế, trên địa bàn huyện Hoa Lư đã có hàng trăm hộ dân được vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có gia đình bà Cao Thị Thu Hà, Thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân cũng được vay 50 triệu để đầu tư vào dự án Sản xuất đá mỹ nghệ, bà Hà chia sẻ:  "Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH đã góp phần giúp những gia đình như tôi và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư phục hồi sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, người nghèo có vốn làm ăn, có việc làm để từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Cũng theo ông Phạm Đức Cường: "Trong quá trình triển khai thực hiện, NHCSXH tỉnh, Phòng giao dịch cấp huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, thực hiện chương trình tại cơ sở, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. 11 tháng đầu năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn".

"Đặc biệt, chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã được tập trung triển khai, thực hiện. Nguồn vốn triển khai chương trình trong 11 tháng đầu năm tăng trưởng cao, tăng hơn 70% so với năm 2021. Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung triển khai gói tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ góp phần phục hồi kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh của địa phương." - ông Phạm Đức Cường thông tin thêm.

"Tiếp nối các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu, thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là một trong những giải pháp sẽ tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh rà soát, tổng hợp các đối tượng thụ hưởng để triển khai thực hiện.  Ngay sau khi NHCSXH Trung ương đã phân bổ nguồn vốn, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các Phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh giải ngân ngay cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, để các đối tượng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng và kịp thời, tạo điều kiện cho các đối tượng trên địa bàn có nguồn vốn để SXKD, để tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" - ông Phạm Đức Cường nhấn mạnh.