Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vụ án Đường Nhuệ: Những người sai phạm trong tố tụng có thể đối diện án phạt 12 năm tù

Luật sư phân tích, người tiến hành tố tụng nếu biết rõ người khác phạm tội nhưng không khởi tố, truy tố có thể đối mặt với án phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.

Liên quan đến việc điều tra các hoạt động phạm tội của băng nhóm Đường Nhuệ ở Thái Bình, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao ngày 9/6 cho biết, đang tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan trong việc bỏ lọt tội phạm, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo dõi vụ án, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) nêu quan điểm, ngay sau thời điểm khởi tố điều tra các hành vi phạm tội của Đường Nhuệ và đồng phạm đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm khác của họ trước đây nhưng không bị xử lý, qua đó cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của tỉnh Thái Bình có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, sai phạm.

Việc cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc làm rõ những sai phạm này là cần thiết, đảm bảo cho nền tư pháp nhà nước được trong sạch, tạo niềm tin với nhân dân.

Theo luật sư Giáp, nếu Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác minh phát hiện trong quá trình tiến hành tố tụng, người tiến tiến hành tố tụng dù biết rõ người khác phạm tội nhưng không khởi tố, truy tố đưa ra xét xử thì người tiến hành tố tụng buộc phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.

Khi có đủ căn cứ chứng minh người tiến hành tố tụng vi phạm thì cơ quan điều tra phải khởi tố họ tội "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" được quy định tại Điều 369, Bộ luật Hình sự 2015.

"Nếu bị truy tố, những người tiến hành tố tụng có thể đối diện mức án cao nhất lên đến 12 năm tù giam theo quy định tại khoản 3 Điều 369 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, họ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt tù", luật sư Giáp phân tích.

Vụ án Đường Nhuệ: Những người sai phạm trong tố tụng có thể đối diện án phạt 12 năm tù - Ảnh 2.

Tiến "Trắng" bên trái.

Trước đó, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã yêu cầu Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Công an huyện Vũ Thư, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Cố ý gây thương tích".

Đến ngày 5/6 vừa qua, Vụ 6 thuộc VKSND Tối cao đã chuyển vụ án trên đến Công an tỉnh Thái Bình để xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao sẽ làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan trong việc bỏ lọt tội phạm.

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng tháng 4/2018, Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến "Trắng", là con nuôi Đường Nhuệ) đến nhà anh Trần Ngọc Hoàng (lái xe ôtô khách) yêu cầu mỗi tháng phải đưa 3 triệu đồng tiền bảo kê và đón khách sau 15h hằng ngày.

Do anh Hoàng không đồng ý, khoảng 19h30 ngày 22/5/2018, Phạm Văn Sáng cùng Bùi Mạnh Tiến, Hoàng Văn Phi, Nguyễn Tuấn Long đến nhà anh Hoàng. Tại đây, nhóm này chém anh Hoàng nhiều nhát làm nạn nhân đứt cơ, gân của 2 tay và 2 chân.

Nguyễn Xuân Đường sau đó đến nhà anh Hoàng "đàm phán" bồi thường 130 triệu đồng và yêu cầu anh Hoàng không đi giám định thương tích nhằm không xử lý hình sự vụ việc.

Do lo sợ, anh Hoàng buộc phải phấp nhận và có đơn đề nghị không đi giám định. Còn phía Cơ quan CSĐT - Công an huyện Vũ Thư ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Hiện tại, qua trưng cầu giám định kết luận, anh Trần Ngọc Hoàng bị tổn hại sức khỏe đến 44%.