Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vu lan bàn chuyện dạy con chữ Hiếu

(Dân sinh) - Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, phóng viên báo điện tử Dân sinh đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Tâm lý Bùi Thu Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Giáo dục về việc dạy các con biết báo hiếu và biết ơn về công sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ. Cuộc trò chuyện thú vị này có thể sẽ giúp nhiều người có cái nhìn mới về dạy con chữ hiếu.

Xin chào chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền, qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc cùng với các con và các bậc phụ huynh, theo chị, thế nào là một người con có hiếu?

Cũng giống các bậc cha mẹ, tôi cũng là mẹ của 3 con. Ngày xưa tôi cũng nghĩ, con cứ ngoan ngoãn nghe lời, học hành giỏi giang, bảo gì nghe nấy là có hiếu. Còn đứa trẻ nào dám phản đối lại quan điểm của cha mẹ thì hay bị coi là cãi, là hư, là bất hiếu.

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Thậm chí có phần ngược lại. Chưa chắc một đứa trẻ lúc nào cũng nghe lời là có hiếu và không phải con cái cứ cãi lại cha mẹ là bất hiếu đâu. Bởi thực tế, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các con nghe lời ở bên ngoài nhưng trong lòng lại đầy sự phản kháng, đầy suy nghĩ tiêu cực về cha mẹ của mình, về bản thân mình. Còn con cái "cãi" cha mẹ (không phải chửi cha, chửi mẹ, cãi láo) là các con dám bày tỏ quan điểm chính kiến của mình với cách lập luận hợp lý và logic theo cách của chúng.

Người con có hiếu không chỉ đơn giản là biết phụng dưỡng cha mẹ, biết quan tâm cha mẹ… mà hơn nữa các con cần dám sống là chính mình, dám phấn đấu cho ước mơ khát vọng đam mê của chính mình.

Chị có thể cho một vài dẫn chứng cụ thể trong quá trình trị liệu tâm lý của mình để giúp độc giả hiểu rõ hơn về chữ hiếu theo cách vừa chia sẻ không?

Tôi biết, khi nghe những điều tôi chia sẻ ở trên sẽ có nhiều người cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng thực tế, không phải lúc nào con răm rắp nghe lời là có hiếu.

Cách đây 3-4 năm, một ông bố dẫn cậu con trai lớp 9 đến Tài Năng Việt của chúng tôi xin được tư vấn. Anh ấy không thể hiểu con của mình. Từ lớp 1 đến 9, cậu con trai của anh lúc nào cũng là học sinh giỏi, luôn ngoan ngoãn, bảo gì nghe nấy và cả gia đình luôn tự hào về con. Tuy nhiên, gần đây, anh bị sốc thực sự khi một ngày anh phát hiện ra cậu con trai lấy dao lam cứa cổ tay tự tử. Như vậy có phải là con có hiếu không? Con cũng vẫn ngoan ngoãn nghe lời nhưng lại đang tìm cách làm tổn thương cơ thể và sự sống của mình - nơi chứa tinh cha và huyết mẹ.

Thế còn câu chuyện về việc con cãi cha mẹ thì sao?

Thực ra câu chuyện con "cãi" lời cha mẹ mà con vẫn có hiếu thì chúng tôi chưa từng gặp. Tuy nhiên, tôi đặt ra câu hỏi này bởi trong quá trình trị liệu, chúng tôi phát hiện rất nhiều con không có cơ hội được sống là chính mình, sống với đam mê của mình. Từ đó dẫn đến sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Vì bố mẹ nghĩ như vậy là con hỏng rồi, hư rồi, bất hiếu rồi mà không hiểu các bạn đó chỉ không muốn nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ trong việc lựa chọn nghề nghiệp vì nó không đúng với điều mà các con đam mê.

Mở rộng ra trong cuộc sống, chúng ta thấy rất nhiều trường hợp, bố mẹ áp đặt con phải học trường này trường kia, lựa chọn công việc theo truyền thống gia đình, con nghe theo nhưng mòn mỏi trong công việc. Từ đó dẫn đến con không muốn phấn đấu và không có sự phát triển. Vậy đó thực sự là có hiếu với bố mẹ không?

Còn một đứa trẻ khác, vì không muốn nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ nên đã lựa chọn con đường riêng của mình. Có thể khó khăn nhưng con lại luôn nỗ lực, cố gắng, bố mẹ nhìn thấy niềm vui và hạnh phúc của con trong công việc. Vậy đó là người con có hiếu hay bất hiếu? Có lẽ câu hỏi này tôi xin dành cho các bậc phụ huynh tự suy ngẫm và trả lời.

Vậy theo chị, trong thời đại ngày nay, phải dạy con về chữ hiếu như thế nào?

Muốn dạy con chữ hiếu thì cha mẹ phải làm gương. Các con sẽ không nghe theo những gì mà chúng ta nói mà chúng lớn lên bằng chính những gì bố mẹ đang ứng xử với cha mẹ của mình. Tuy nhiên, ở tầng sâu hơn, tôi mong muốn chúng ta không chỉ chăm sóc cha mẹ ở mặt thể xác như là biếu tiền, biếu đồ ăn, mua quần áo, tặng quà… Những điều đó rất tuyệt vời nhưng nếu chúng ta biết cách chăm sóc đời sống tinh thần cho bố mẹ thì dù thiếu thốn một chút về vật chất họ cũng rất hạnh phúc.

Câu chuyện mà tôi hay kể với các bậc phụ huynh là một vị giáo sư khi bạn bè đến nhà ăn cơm xong, mọi người chứng kiến mẹ của ông rửa bát. Mọi người rất là ngạc nhiên. Vị giáo sự có giải thích là cụ thích rửa bát vì cảm thấy vẫn có ích, vẫn có giá trị khi chăm sóc con cái nên cứ để cho cụ làm. Vì thế nếu có thể, hãy cứ để cha mẹ làm những điều cha mẹ thích miễn là các cụ cảm thấy hạnh phúc…

Quả là những chia sẻ rất tuyệt vời. Vậy ngoài làm gương, còn cách nào để dạy con về chữ hiếu nữa không, thưa chị?

Có một "chìa khóa" nữa tôi muốn chia sẻ mùa Vu Lan năm nay chính là việc chúng ta nên "bao dung" với cha mẹ của mình để có thể dạy con về chữ hiếu. Tôi muốn nhắc điều này bởi vì rất nhiều cha mẹ đến với chúng tôi xin được tư vấn về việc con tự nhiên hư, láo, không nói được… lại xuất phát từ nguyên nhân vô cùng sâu xa đó là họ vẫn còn "hận" cha mẹ của mình vì một điều gì đó.

Cách đây cũng khoảng 4-5 năm, một người mẹ đến trong trạng thái mệt mỏi vì con tự nhiên con trở nên bất trị. Khi đó, tôi có hỏi là thế mối quan hệ của chị với mẹ của mình như thế nào. Chị ấy trả lời: Ở với mẹ khổ lắm vì ngày xưa mẹ đánh chị ấy nhiều quá và giờ chị ấy vẫn hận mẹ. Làm sao ta có thể đòi hỏi con của mình ngoan ngoãn, có hiếu trong khi chúng ta còn đang hận mẹ của mình? Vì thế, hãy cố gắng bao dung hết sức cho cha mẹ nếu họ đã từng làm điều gì sai với bạn, cho dù điều đó có đớn đau đến đâu. Nếu ai đó chưa tha thứ được, bạn hãy thử nghĩa xem: Thân thể này từ đâu mà có nếu không phải từ tinh cha huyết mẹ. Hơn nữa, có thể rồi ai cũng đến một ngày có tìm khắp năm châu bốn biển, khắp bốn phương trời cũng không bao giờ thấy hình bóng cha mẹ của mình nữa.

Mùa Vu Lan báo hiếu năm nay, chị có nhắn nhủ với những bậc làm cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con nói chung và dạy con về chữ hiếu nói riêng?

Điều cha mẹ mong muốn nhất ở các con là chúng ta sống thật bình an và hạnh phúc. Do đó, mỗi người hãy là một người cha người mẹ thành công trong hạnh phúc để dạy dỗ được những người con đủ đức, đủ tài để tặng lại cha mẹ của mình. Đó sẽ thực sự là món quà vô giá không chỉ trong dịp lễ Vu Lan để báo hiếu cha mẹ mà còn là sự dành tặng của chúng ta cho cả cuộc đời này.

Vâng, xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!