Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3: Chủ đầu tư hỗ trợ 100 triệu đồng chi phí mai táng cho các trường hợp tử vong

Theo đại diện của chủ đầu tư công trình thuỷ điện Rào Trăng 3, từ khi xảy ra vụ sạt lở khiến nhiều công nhân thiệt mạng, mất tích, doanh nghiệp này đã phối hợp hết sức mình với lực lượng chức năng để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 cũng đã hỗ trợ trước mắt 100 triệu đồng chi phí ma chay cho các trường hợp tử vong.

Vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3: Chủ đầu tư hỗ trợ 100 triệu đồng chi phá mai táng cho các trường hợp tử vong - Ảnh 1.

Một góc hiện trường vụ sạt lở

Ngày 26/10, ông Lê Văn Hoa, người nắm giữ 30% cổ phần Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) xác nhận thông tin nói trên.

Theo ông Hoa, từ khi xảy ra sự cố, Công ty CP Thuỷ điện Rào Trăng 3 đã phối hợp tối đa năng lực của mình với nhà chức trách để tìm kiếm các công nhân. Bên cạnh đó, công ty cũng lo ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, động viên thân nhân các nạn nhân khi đến Huế tìm kiếm con em mình. Đồng thời hỗ trợ ma chay, mỗi trường hợp trước mắt là 100 triệu đồng. "Công ty cũng sẽ hỗ trợ cuộc sống cha mẹ những người tử nạn đã già cả, nuôi con cái của họ đến 18 tuổi", ông Hoa cho biết.

Ông Hoa cho biết thêm, trước thời điểm xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng ở khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 vào tối 11/10, ông đã yêu cầu tất cả công nhân rời khỏi khu vực công trình, di chuyển đến chỗ trú ngụ mới. "Họ chia ra 2 tốp, một tốp 16 người ở lùi xa vị trí công trình hơn 100m, tốp thứ 2 hơn 50 người ở cách 300-400 m. Vậy mà các anh em vẫn không tránh được một vụ sạt lở đất kinh hoàng. Chúng tôi làm thủy điện, tính toán để sử dụng cả trăm năm nên xây dựng rất kiên cố, vậy mà vẫn xảy ra sạt lở rất kinh hoàng. Đó là một tổn thất vô cùng lớn mà chúng tôi không hề mong muốn", theo lời ông Hoa.

Trước đó như báo Dân sinh đã phản ánh, ngày 12/10, một lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được tin báo về vụ sạt lở đất ở khu vực Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 khiến nhiều công nhân đang làm việc ở đây gặp nạn, mất tích. Các cơ quan xác định có 17 công nhân bị mất tích sau vụ việc.

Hiện, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 5 thi thể công nhân và xác định được danh tính của 2 người, đồng thời bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Công tác tìm kiếm các công nhân vẫn đang còn mất tích tiếp tục được triển khai một cách khẩn trương.

Trong ngày 26/10, lực lượng tìm kiếm đã trở lại thuỷ điện Rào Trăng 3 sau khi được lệnh tạm thời rút ra vào ngày 25/10 do lo ngại vấn đề thời tiết không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ được tăng cường từ Quân khu 4, 3 chú chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Biên phòng cũng đã cơ động vào Rào Trăng 3 để hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Được biết, dự án xây dựng Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Cty THHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn (trụ sở tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình) vào năm 2008. Thời điểm đó, dự án thiết kế nhà máy có công suất 11 MW, điện lượng trung bình hàng năm trên 70 kWh với vốn đầu tư hơn 290 tỉ đồng.

Năm 2016, Bộ Công Thương quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thuỷ điện nhỏ của tỉnh Thừa Thiên Huế với dự án thuỷ điện Rào Trăng 3. Chủ đầu tư dự án được chuyển sang Công ty CP Thuỷ điện Rào Trăng 3. Trước đó, vào năm 2011, công ty này được thành lập, có trụ sở tại TP. Huế.

Năm 2017, dự án Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 được thay đổi thiết kế, nâng công suất lắp máy lên 13 MW, diện tích đất sử dụng là hơn 46,25 ha. Tổng vốn đầu tư tăng lên thành 409 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Hoa là một trong 6 cổ đông sáng lập Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 với giá trị cổ phần 27 tỉ đồng, tương đương 30%. Công ty này được đăng ký lần đầu vào năm 2011, thay đổi mới nhất (lần thứ 6) vào ngày 19/8/2020 do ông Nguyễn Đại Thành (SN 1992; ngụ tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình) làm giám đốc. Ông Thành là con của ông Nguyễn Đại Lợi, một cổ đông sáng lập và nắm giữ giá trị cỏ phần cao nhất với 31,5 tỉ đồng, chiếm 35%. Trong 4 cổ đông sáng lập còn lại thì các ông Đỗ Thanh Lâm (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Văn Tố (Quảng Bình) và ông Ngô Anh Tuấn (Đà Nẵng) mỗi người nắm giữ 10% cổ phần; 5% cổ phần còn lại do ông Dương Văn Khởi (Quảng Bình) nắm giữ.