Quay lại Dân trí
Dân Sinh

WHO: 85% ca nhiễm virus corona 24 giờ qua là ở châu Âu và Mỹ

(Dân sinh) - Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 85% số ca nhiễm virus corona trong 24 giờ qua là ở Mỹ và châu Âu. Mỹ có khả năng trở thành tâm điểm mới của dịch bệnh.

WHO: 85% ca nhiễm virus corona 24 giờ qua là ở châu Âu và Mỹ - Ảnh 1.

Số ca nhiễm virus sẽ tiếp tục "gia tăng đáng kể" trên toàn cầu, theo WHO. Ảnh: AP.

Thông tin trên được báo Zing.vn cho biết, theo đó, bà Margaret Harris, người phát ngôn của WHO, nói cơ quan này thấy "sự gia tăng rất nhanh" số ca nhiễm tại Mỹ, cũng như "tia hy vọng" cho Italy sau khi nước này ghi nhận sự sụt giảm trong các thống kê liên quan Covid-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra.

Trong cuộc họp báo tại Geneva hôm 24/3, bà Harris cho hay số ca nhiễm mới tại châu Âu và Mỹ chiếm 85% tổng số ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu trong 24 giờ qua, theo Reuters. Trong đó, 40% số ca nhiễm mới là từ Mỹ.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể trở thành tâm điểm mới của đại dịch toàn cầu hay không, bà nói: "Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng rất nhanh số ca nhiễm tại Mỹ. Vì vậy, thực sự là có khả năng đó". "Họ (Mỹ) có sự bùng phát (dịch bệnh) lớn và sự bùng phát này đang gia tăng cường độ", người phát ngôn WHO nói thêm.

Tính đến sáng 24/3, Mỹ đã có ít nhất 46.450 ca nhiễm ở khắp các bang cũng như thủ đô Washington. Ít nhất 593 người đã tử vong vì virus, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins.

Châu Âu đã trở thành nơi virus lây lan mạnh mẽ nhất trong những tuần qua, với 6 nước đứng trong top 10 nước có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu, gồm các nền kinh tế lớn nhất châu lục như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh.

Tây Ban Nha hôm 24/3 công bố thống kê mới, cho biết nước này có thêm 6.584 ca dương tính với virus trong 24 giờ qua, theo AFP. Tổng số ca nhiễm đã lên đến 39.089, cao thứ ba thế giới, với 2.696 người đã tử vong.

Trước đó, Italy cho hay nước này đã có thêm 4.789 ca nhiễm mới hôm 23/3, giảm so với 2 ngày trước. Với gần 64.000 ca dương tính được báo cáo, Italy hiện là điểm nóng về dịch lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Bà Harris nói số ca bệnh và tử vong sẽ tiếp tục "gia tăng đáng kể" trong những ngày tới. Toàn cầu hiện đã ghi nhận 387.382 người nhiễm và 16.766 người chết vì Covid-19, theo thống kê của Đại học John Hopkins.

WHO: 85% ca nhiễm virus corona 24 giờ qua là ở châu Âu và Mỹ - Ảnh 2.

Tỷ lệ tử vong vỉ Covid-19 tại Ý cap gấp đôi trung bình toàn cầu. Ảnh: AFP.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo dịch bệnh đang bùng phát ngày một nhanh trên quy mô toàn cầu. Thống kê cho thấy làn sóng thứ nhất mất 67 ngày từ khi dịch bệnh khởi phát tại Trung Quốc để đạt mốc 100.000 ca nhiễm. Chỉ 11 ngày sau, con số này lên đến 200.000 và chỉ mất thêm 4 ngày để vượt mốc 300.000.

Thông tin từ Doisongphapluat cũng cho biết, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới WHO thừa nhận rõ ràng đại dịch Covid-19 đang tăng tốc trong bối cảnh số ca nhiễm trên toàn thế giới đã gần 350.000 người tính đến 24h ngày 23/3.

"Mất 67 ngày từ lúc phát hiện ca đầu tiên để chạm mốc 100.000 ca nhiễm, 11 ngày để tới mốc 100.000 thứ hai nhưng chỉ có 4 ngày đã chạm tới mốc 100.000 ca thứ ba", ông Tedros thừa nhận.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO cho rằng con người vẫn chưa hoàn toàn bất lực trước bệnh dịch và có thể "làm chệch quỹ đạo của đại dịch".

"Các biện pháp cách ly xã hội và trốn trong nhà chỉ là những biện pháp phòng thủ. Muốn thắng đại dịch, chúng ta phải đánh và tấn công nó", ông Tedros nêu quan điểm đồng thời cho rằng nếu muốn thắng được cuộc chiến đó, phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe của các chiến sĩ áo choàng trắng - những nhân viên y tế tuyến đầu.

"Nếu chúng ta không bảo vệ họ, rất nhiều người sẽ chết vì bệnh dịch bởi những người có thể cứu người giờ đây cũng đổ bệnh".

Những lời kêu gọi của ông Tedros xuất hiện trong bối cảnh đã có hơn 4.800 nhân viên y tế tại Ý nhiễm bệnh khi chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Theo Đài CNN, ít nhất 23 người trong số này đã chết giữa lúc tình trạng thiếu đồ bảo hộ y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để ở Ý.