Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xã Thới Tam Thôn “phớt lờ” chỉ đạo của huyện Hóc Môn?

Trước tình trạng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch làm nhà ở, nhà vườn, quán ăn, quán cà phê ở TP.HCM, ngày 3/10/2022 và 16/2/2023, huyện Hóc Môn chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thới Tam Thôn xem xét, giải quyết, trả lời công dân phản ánh tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp và lấn chiếm kênh rạch. Tuy nhiên, xã Thới Tam Thôn chưa có phản hồi chỉ đạo của huyện.

Theo Văn phòng UBND huyện, vừa qua, Ban Tiếp công dân huyện nhận được đơn ghi ngày 26/9/2022  của bà N.T.B.T. (địa chỉ: 24/7C, ấp Trung Đông 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn).

Đơn có nội dung: Kiến nghị tháo dỡ công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại địa chỉ số 11/1B, Tô Ký, Tổ 139, ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn...

Chỉ đạo của huyện Hóc Môn.

Chỉ đạo của huyện Hóc Môn.

Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh và quy định của pháp luật, Ban Tiếp công dân huyện tiếp tục chuyển đơn của bà N.T.B.T. đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thới Tam Thôn để được xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả giải quyết đến Ban Tiếp công dân huyện.

Tuy nhiên, theo ghi nhân của phóng viên, dù chỉ đạo của huyện từ ngày 3/10/2022 nhưng đến nay, công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp vẫn còn hiện hữu. Và xã Thới Tam Thôn vẫn chưa trả lời đơn phản ánh của người dân.

Ông Nguyễn Việt Hùng tự ý san lấp, lấn chiếm kênh rạch để làm quán cà phê.

Ông Nguyễn Việt Hùng tự ý san lấp, lấn chiếm kênh rạch để làm quán cà phê.

Trước đó, Văn phòng UBND TP.HCM gửi công văn khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu xử lý các công trình vi phạm xây dựng tại huyện Hóc Môn. Những trường hợp này nằm trong 1.400 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã được Sở Xây dựng báo cáo trước đó.

Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Sở Xây dựng và chủ động phối hợp với Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn. Kết quả thực hiện phải báo cáo về UBND TP.HCM và Sở Xây dựng.

Sở Xây dựng được giao theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TPHCM trong 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo của UBND huyện Hóc Môn.

Công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại địa chỉ số 11/1B, Tô Ký, Tổ 139, ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn do ông Nguyễn Việt Hùng làm chủ.

Công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại địa chỉ số 11/1B, Tô Ký, Tổ 139, ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn do ông Nguyễn Việt Hùng làm chủ.

Trong khi đó, tình trạng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch làm nhà ở, nhà vườn, quán ăn, quán cà phê ở TP.HCM vẫn diễn ra cho thấy, đô thị dọc sông, kênh rạch của TP.HCM phát triển vẫn manh mún, chưa có thiết kế một cách khoa học, bài bản.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về bảo vệ sự ổn định của bờ sông, kênh rạch; phòng, chống các trường hợp xây dựng, san lấp chiếm đất ven sông suối, kênh rạch qua đó làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm, hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở bờ sông suối, kênh rạch trên địa bàn thành phố… Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông suối, kênh rạch… bao gồm 59 tuyến và 72km suốt chiều dài sông Sài Gòn từ khu vực cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh.

TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông suối, kênh rạch.

TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông suối, kênh rạch.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, không chỉ phòng chống sạt lở, chống lấn chiếm và hạn chế xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp ra hệ thống kênh rạch, việc cắm mốc cũng tạo quỹ đất để xây hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch, như: Đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, công trình điện, thông tin liên lạc, trồng cây, xây công trình chống sạt lở, công trình thủy lợi, công viên và các công trình khác…

Việc cắm mốc nhằm đảm bảo thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, cao độ, lộ giới khi xây dựng và công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp; đồng thời công khai quy hoạch đô thị phục vụ công tác quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Sở này đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức hỗ trợ cung cấp hồ sơ, dữ liệu, bản đồ các dự án đầu tư được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, đã triển khai nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng; ra thông báo đến các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực khảo sát định vị cắm mốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công thực hiện nhiệm vụ.