Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xây dựng chính sách dự phòng, điều trị rối loạn sử dụng ma túy

(Dân sinh) - Năm 2018 trên toàn thế giới có hơn 31 triệu người sử dụng ma túy. Ước tính khoảng 28 triệu năm sống khỏe mạnh bị mất đi trên toàn thế giới vào năm 2015 do tử vong sớm và tàn tật vì sử dụng ma túy

Trong 3 ngày (4-6/11), tại Hà Nội, Văn Phòng các Vấn đề về Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về Bản chất, Dự phòng và Điều trị rối loạn sử dụng chất cho người hoạch định chính sách.

Theo báo cáo về tình hình ma túy thế giới năm 2018 có hơn 31 triệu người sử dụng ma túy. Ước tính khoảng 28 triệu năm sống khỏe mạnh bị mất trên toàn thế giới vào năm 2015 do tử vong sớm và tàn tật vì sử dụng ma túy. Điều này cho thấy gánh nặng của việc sử dụng ma túy toàn cầu. 

Xây dựng chính sách dự phòng, điều trị rối loạn sử dụng chất - Ảnh 1.

Cac đại biểu tham dự hội thảo

Tuy nhiên, chỉ một trong 6 người dùng có vấn đề được tiếp cận với các dịch vụ điều trị lệ thuộc ma túy, cho thấy khoảng cách lớn trong việc cung cấp dịch vụ. Tình trạng này đòi hỏi những nỗ lực đổi mới để hỗ trợ dự phòng sử dụng ma túy và điều trị rối loạn sử dụng ma túy bao gồm các dịch vụ nhằm giảm những hậu quả bất lợi cho sức khỏe từ việc sử dụng ma túy.

 Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2016 về vấn đề ma túy thế giới đã đưa ra các tuyên bố và mục tiêu 3.5 theo Chương trình nghị sự 2030 về các mực tiêu phát triển bền vững và các quốc gia thành viên đã tái khẳng định cam kết của mình đối với phương pháp hệ thống cân bằng và tập trung vào sức khỏe.

Tại Hội thảo, các nhà hoạch định chính sách được cung cấp các thông tin khoa học đã được nghiên cứu qua nhiều thập kỷ về điều trị lệ thuộc chất; các chiến lược giảm cầu ma túy quốc gia dựa trên bằng chứng và hiệu quả về chi phí từ các quan điểm dựa trên các năng lực, vai trò tổ chức và nền tảng khác nhau.

Tăng cường năng lực của các nhà hoạch định chính sách để soạn thảo, đàm phán, vận động và hỗ trợ các chính sách ma túy phù hợp với công ước quốc tế về ma túy vì chúng liên quan đến việc bảo vệ cuộc sống của những người bị ảnh hưởng do rối loạn sử dụng chất, trong khi vẫn đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân.

Bên cạnh đó, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội hợp tác trong các nhóm đa ngành và các chương trình liên bộ để tạo ra các phản ứng rõ ràng và nhất quán đối với việc sử dụng ma túy.

Tư vấn cho các quan chức chính phủ thiết lập mối liên hệ thường trực với các nhà khoa học và học giả với mục đích sắp xếp tất cả các quyết định chính sách dựa vào bằng chứng khoa học thay vì theo các tư tưởng hoặc quan điểm cá nhân

Hướng đến tầm quan trọng của việc gắn kết các gia đình và cộng đồng trong các sáng kiến dự phòng và quá trình phục hồi lệ thuộc chất của bệnh nhân.

Đồng thời khuyến khích các nhà hoạch định chính sách thiết kế các biện pháp can thiệp hiệu quả và khoa học, đầu tư nguồn nhân lực và tài chính phù hợp vào việc giảm cầu ma túy và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc.

Mỗi người đều quan trọng" chính là phương châm của Hội thảo các nhà hoạch định chính sách của UNODC nhằm mục đích củng cố động lực và cam kết của các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đối với sự phát triển an toàn và lành mạnh của trẻ em và hướng tới cải thiện cuộc sống của những người bị ảnh hưởng bởi rối loạn và sử dụng chất.

Để đảm bảo rằng trẻ em và thanh thiếu niên đặc biệt là những người yếu thế và nghèo nhất có thể nhận ra tiềm năng đầy đủ của mình, các chiến lược phòng, chống ma túy cần đưa ra một loạt các can thiệp và chính sách tích hợp dựa trên bằng chứng khoa học...

Sự lệ thuộc chất được coi là một rối loạn sức khỏe đa yếu tố. Do đó việc điều trị lệ thuộc chất cũng phải được áp dụng các dịch vụ chăm sóc và điều trị hiệu quả dựa trên bằng chứng cùng tiêu chuẩn chất lượng và cơ hội được cung cấp như bất kỳ bệnh nhân mãn tính nào khác.

Đối với mỗi USD chi các các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc, có thể tiết kiệm được từ 7-10 USD chi phí y tế, xã hội và tội phạm trong tương lai.