Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng NCC: Chia nhỏ nhóm đối tượng để có chính sách hỗ trợ đặc biệt

Theo tổng hợp kết quả giảm nghèo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn trên 16 nghìn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công (khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước). Để đảm bảo cuộc sống cho người có công, Quốc hội ra Nghị quyết: Đến hết năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công.

Hỗ trợ trực tiếp những gia đình không có khả năng lao động

Theo Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi, do đặc thù của từng vùng, từng địa phương, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan như: Hộ nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, không muốn đi làm ăn xa... Và nguyên nhân khách quan: Do ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng của chất độc hóa học… Đến nay, nhiều địa phương đã đánh giá, phân loại nguyên nhân để ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp. Hiện 10 tỉnh/ thành phố không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công như: Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Chia nhỏ nhóm đối tượng để có chính sách hỗ trợ đặc biệt - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng trao tặng nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Dung (ấp Tam Trung, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Theo điều tra của các địa phương, hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công của tỉnh Quảng Bình hiện có 1.107 hộ, chiếm tỷ lệ 6,39% tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh và chiếm khoảng 1% tổng số hộ người có công của tỉnh, đa số tập trung ở khu vực nông thôn, với 1.054 hộ, chiếm 95,2% tổng số hộ nghèo người có công. Hộ nghèo người có công của tỉnh chủ yếu thuộc nhóm đối tượng những người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Theo ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, với quyết tâm đến cuối năm 2019 cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng thuộc chính sách người có công, hướng đến mục tiêu đến năm 2020, tất cả 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, tỉnh Quảng Bình đã tích cực chỉ đạo các địa phương có các giải pháp cụ thể, phù hợp để thực hiện mục tiêu trên. Tuy nhiên, trong thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vì hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công của tỉnh chủ yếu là những hộ có nhiều người ăn theo nhưng có ít nhân lực tham gia lao động; tuổi cao, sức khỏe yếu, bị bệnh tật, di chứng của chiến tranh, nguồn thu nhập chủ yếu là khoản trợ cấp ưu đãi của Nhà nước... trong khi đó nguồn lực thực hiện của tỉnh còn rất hạn chế.

Ông Cảnh đề xuất: "Cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung cả nước về cách xác định đối tượng nghèo thuộc gia đình chính sách. Để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo đối với hộ gia đình có thành viên hưởng chính sách người có công phải điều tra, đánh giá cụ thể thực trạng, nguyên nhân, nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo người có công để có kế hoạch, giải pháp giảm nghèo phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Với hộ nghèo thuộc chính sách người có công mà các thành viên trong hộ không còn khả năng lao động, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, địa phương cần quan tâm hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tại cộng đồng. Đối với các hộ gia đình còn sức lao động thì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo".

Phân loại hộ nghèo có thành viên thuộc người có công để hỗ trợ

Theo ông Hồ Tân Cảnh, cần điều tra, đánh giá cụ thể thực trạng, nguyên nhân, nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo người có công để có kế hoạch, giải pháp giảm nghèo phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đối với hộ nghèo thuộc chính sách người có công mà các thành viên trong hộ không còn khả năng lao động, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, địa phương cần quan tâm hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tại cộng đồng. Đối với các hộ gia đình còn sức lao động thì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, phân công các đảng viên tiêu biểu ở cơ sở phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình. Phân công mỗi tổ chức, đoàn thể ở địa phương, cơ sở; đồng thời tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận giúp đỡ, hỗ trợ, phụng dưỡng một hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chia nhỏ nhóm đối tượng để có chính sách hỗ trợ đặc biệt - Ảnh 2.

Trao tặng nhà ở cho hộ gia đình người có công tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý cũng cho rằng, cần phân loại và nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo người có công để có kế hoạch hỗ trợ các gia đình. Đối với những gia đình có khả năng lao động thì có những hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, tuyên truyền để người dân vươn lên thoát nghèo. Đối với những hộ gia đình hộ nghèo có thành viên là người có công không có khả năng lao động hay gặp hoàn cảnh khó khăn (có thành viên trong gia đình thường xuyên ốm đau, nuôi nhiều thành viên không có khả năng lao động…) thì cần có chính sách hỗ trợ thường xuyên để đảm bảo mức sống ngang với mặt bằng dân cư trên địa bàn.

Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH Bến Tre Nguyễn Thành Thưởng cho biết, Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chung cho toàn tỉnh; đặc biệt UBND tỉnh xây dựng Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và triển khai đến các huyện, thành phố và 164 xã, phường thị trấn. Trong đó hướng đến giải pháp tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định sản xuất cho người nghèo. Mục tiêu là hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Trong đó, trung hỗ trợ người có công giúp đỡ cách mạng thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống kinh tế, không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng. Đến cuối năm 2018, hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công giảm còn 566 hộ nghèo (giảm 153 hộ so với thời điểm điều tra, rà soát). Đến nay Đề án sinh kế đã giúp cho hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công giảm từ 566 hộ xuống còn 315 hộ (giảm 251 hộ so với năm 2018).

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo nói chung và thực hiện Đề án sinh kế nói riêng, nhất là đối với hộ thuộc đối tượng chính sách người có công còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là đối tượng lớn tuổi, không còn đủ sức khỏe để sản xuất, con cháu đông, không có đất canh tác, nguồn thu nhập chính là trợ cấp ưu đãi hàng tháng... Một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Năng lực của người nghèo hạn chế nên việc tiếp cận và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả; chưa có nhiều mô hình hiệu quả để nhân rộng. Nguồn vốn vay chưa phát huy hiệu quả, một số trường hợp sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích. Chưa hình thành các nhóm liên kết giữa các hộ nghèo, cận nghèo có cùng mô hình sinh kế để chia sẻ kinh nghiệm, số hộ tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã còn ít. Công tác huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện Đề án sinh kế còn phân tán, chưa tập trung; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án sinh kế chưa thường xuyên...

Kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh hiện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020. Hiện chuẩn nghèo của thành phố đã được nâng lên. Theo đó, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và có tổng số điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) từ 40 điểm trở lên. Hộ nghèo thành phố được chia thành 3 nhóm hộ để tổ chức thực hiện các chính sách tác động hỗ trợ giảm nghèo theo thứ tự ưu tiên: Nhóm 1 là hộ dân có thu nhập bình quân đầu người từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt của 05 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) từ 40 điểm trở lên. Nhóm 2 là hộ dân có thu nhập bình quân đầu người từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điếm thiếu hụt của 05 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) dưới 40 điểm (từ 0 đến 35 điểm). Nhóm 3 là hộ dân có thu nhập bình quân đầu người trên 28 triệu đồng/người/năm và có điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) từ 40 điểm trở lên.

TP Hồ Chí Minh là một trong số những địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, toàn thành phố không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công.

Để đạt được kết quả trên, TP Hồ Chí Minh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là làm tốt công tác huy động nguồn lực kinh tế của xã hội để tập trung hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công nói riêng và hộ nghèo nói chung. TP Hồ Chí Minh xác định, để giảm nghèo bền vững là phải giải quyết việc làm, tạo thuận lợi cho họ có thu nhập ổn định. Ủy ban MTTQ thành phố đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH triển khai kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện hộ nghèo nói chung và lao động thuộc diện người có công và thân nhân người có công nói riêng. Tùy điều kiện của mỗi gia đình để có những hình thức hỗ trợ khác nhau nên cần khảo sát chính xác nhu cầu việc làm của từng đối tượng, thống kê danh sách, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Sau đó giới thiệu những người ở độ tuổi lao động đi đào tạo nghề, rồi gửi vào làm việc tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, MTTQ và ngành LĐ-TB&XH chủ trì kết nối với trường nghề, doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo nghề, mở sàn giao dịch việc làm, tổ chức ngày hội tuyển dụng… để nhận lao động thuộc diện chính sách vào làm những công việc thích hợp. Quá trình thực hiện, các ngành, các cấp chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho học viên, người lao động, nhất là về kinh phí đào tạo nghề.

Không chỉ chăm lo người có công và gia đình người có công định cư trên địa bàn mà TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với nhiều địa phương để hỗ trợ, chăm lo người có công và gia đình người có công. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm cùng các địa phương với mục tiêu không để người có công và gia đình người có công nằm trong diện hộ nghèo.