Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xóa nghèo ở Quỳnh Nhai (Sơn La): "Xây dựng mô hình điểm, cầm tay chỉ việc cho người dân"

(Dân sinh) - Từ một huyện nghèo, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tự nhiên không có nhiều thuận lợi, lại trải qua giai đoạn khó khăn di dân tái định cư để triển khai thủy điện Sơn La, nhưng Quỳnh Nhai đã biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2018, Quỳnh Nhai cùng 7 huyện nghèo khác trong cả nước được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo.

Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết, để có được kết quả như ngày hôm nay, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập của người dân phù hợp với điều kiện, đặc thù, khả năng huy động nguồn lực của chính người dân. Trong đó, chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Xóa nghèo ở Quỳnh Nhai (Sơn La): "Xây dựng mô hình điểm, cầm tay chỉ việc cho người dân" - Ảnh 1.

Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai.

Huyện đã thực hiện cấp 846.600 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn. Toàn huyện có 23.983 lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với tổng kinh phí 539 tỷ đồng. Hỗ trợ 73 căn nhà cho hộ nghèo.

Cùng với đó, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có người nghèo, người khuyết tật được chú trọng. Đến nay, tổng số lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện là 9.138 người, trong đó đào tạo nghề là 3.800 người (chiếm 17%). Lao động được đào tạo phần lớn đã biết vận dụng kỹ năng được đào tạo vào phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, từng bước ổn định thu nhập.

Hiện, toàn huyện có trên 4.000 lao động làm việc tại các nhà máy trong, ngoài tỉnh. Ông Thủy cho biết, huyện đã tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động ở nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm nâng cao kiến thức tay nghề, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động. Đây là một trong những giải pháp tích cực có tác động rất lớn đối với công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay.

Xóa nghèo ở Quỳnh Nhai (Sơn La): "Xây dựng mô hình điểm, cầm tay chỉ việc cho người dân" - Ảnh 2.

Nhiều gia đình ở xã Mường Chiên làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng bè.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn gieo trồng cây trên nương và một số biện pháp phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm... được 13 lớp với 495 lượt người tham gia. "Trên cơ sở người dân đăng ký nhu cầu học nghề, huyện sẽ tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp. Với phương pháp dạy cầm tay chỉ việc để người dân dễ áp dụng", ông Thủy nói.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, Chương trình 135 và dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La đến nay về cơ sở hạ tầng toàn huyện đã được đầu tư khá đồng bộ: 100% xã có đường giao thông đi lại thuận tiện; trên 95% hộ đã được đầu tư hệ thống điện, nước sinh hoạt; 100% xã có nhà văn hóa, trạm y tế, trường học khang trang …

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đã quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đặc biệt là phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản trên sông Đà với quy mô trên 5.000 lồng nuôi, sản lượng trên 30.000 tấn/năm. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với bảo vệ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Thủy thông tin, hiện địa phương đang kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư mở rộng nhà máy, vùng nguyên liệu tại Quỳnh Nhai. Ngay trong những ngày cuối tháng 8, huyện đã kết nối với Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đến khảo sát thực địa để trồng dứa. Theo khảo sát của Cty, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đây rất phù hợp với cây dứa và cho chất lượng cao. Nếu được Cty Đồng Giao bao tiêu sản phẩm, huyện sẽ vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi 300ha đất sườn đồi hiện trồng sắn hiệu quả thấp sang trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Xóa nghèo ở Quỳnh Nhai (Sơn La): "Xây dựng mô hình điểm, cầm tay chỉ việc cho người dân" - Ảnh 3.

Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Để triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, huyện đã nghiên cứu kỹ các điều kiện của từng bản, từng xã để xây dựng các mô hình điểm. Từ hiệu quả của các mô hình "người thật, việc thật", cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật, nguồn hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, nguồn vốn vay ưu đãi… người dân đã mạnh dạn tham gia các mô hình kinh tế mới hiệu quả: trồng dược liệu, nuôi cá lồng bè…", ông Thủy nhấn mạnh.

Với xuất phát điểm thấp, tuy chỉ có 11 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng Quỳnh Nhai lại có 147 bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư theo Chương trình 30a của Chính phủ. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình 30a, bộ mặt nông thôn trong huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo tại địa phương theo hướng bền vững. Từ một huyện nghèo, Quỳnh Nhai phấn đấu đến năm 2025 là huyện đầu tiên trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Có thể khẳng định, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực của người dân chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác giảm nghèo. Người dân quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, làm việc gì phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính quyền đóng vai trò định hướng, xây dựng các mô hình điểm để rút kinh nghiệm, song hành để hỗ trợ kỹ thuật và vốn cho người dân. Đây cũng là mục tiêu chính của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020 đề ra.

Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã có những chính sách đặc thù tập trung hỗ trợ phù hợp đối với những huyện, xã "lõi nghèo" của cả nước để đưa các địa phương thoát nghèo. Giai đoạn 2018 -2020 đã có 8 huyện thoát nghèo gồm: Huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; Huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; Huyện Tân Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; Huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; Huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Chính phủ tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ 56 huyện nghèo đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ. Đồng thời, bổ sung 29 huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020, được hỗ trợ theo Quyết định số 615/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.