Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xu hướng và thử thách

(Dân sinh) - Đến thời điểm này, sau khi in 5 cuốn văn xuôi tập trung khai thác vấn đề sinh thái, đề tài sẽ là xu hướng của nhiều nhà văn trong những năm tới, tôi biết mình đang đi đúng hướng và khát khao khai thác sâu hơn đề tài này. Từ viết theo lối bản năng đến sự suy tư về môi trường có ý thức là một quá trình được bồi đắp dần trong tư duy sáng tạo của tôi.

Cánh đồng, dòng sông nuôi lớn ước mơ

Sinh ra ở vùng hạ lưu sông Nhuệ, vùng Phú Xuyên (Hà Nội) quê tôi còn có con sông nhỏ chảy quanh đồng làng, và chỉ chạy bộ hai cây số là đến bờ bãi sông Hồng. Đó là một vùng quê trù phú, người dân quanh năm làm nông nghiệp. Yêu quê, yêu con người và luôn lay trở về cuộc sống nên tôi cầm bút và năm học lớp 12 trường làng, tôi đã đoạt giải Nhất truyện ngắn trong cuộc thi cấp trường.

Từ đó tôi viết nhiều về sông, đồng làng, vẻ đẹp của chim chóc và thiên nhiên quanh mình. Viết chỉ vì những điều xung quanh thật thân thương, xúc động. Viết vì quanh mình cảnh đẹp bình dị đã từng ngày tôn bồi giá trị của sức lao động người dân. Thiên nhiên và cuộc sống rót vào tuổi học trò, thời sinh viên của tôi và nhiều học trò khác những mộng ước và sự lãng mạn. Ngày còn là sinh viên trường cao đẳng Nghiệp vụ Du lịch Hà Nội, tôi được đọc nhiều tuyển tập thơ văn có tên “Ước mơ xanh” do NXB Thanh niên in ấn và phát hành. Phần lớn sáng tác ở đó dành cho lứa tuổi học trò, sinh viên.

Tác giả trong chuyến công tác điều tra về tình trạng hút cát ở sông Hồng.

Tác giả trong chuyến công tác điều tra về tình trạng hút cát ở sông Hồng.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Nghiệp vụ Du lịch Hà Nội, tôi làm báo tự do và tiếp tục nuôi ước mơ vào học trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi vẫn sáng tác nhiều về nông thôn quê mình với một vùng ký ức sáng tươi và mê đắm. Khi thi đỗ vào trường Viết văn Nguyễn Du, tháng 8/2005, tôi đã có lưng vốn trải nghiệm nhất định về đời sống, những suy tư về thân phận con người, thân phận của môi trường thiên nhiên. Cuốn tiểu thuyết “Đường dài của hạnh phúc” (NXB Công an nhân dân, in năm 2008) đã chạm được phần nào vào đề tài thiên nhiên, khi nói về những giấc mơ của một người cha yêu con gái hết mực. Vì yêu con mà ông đã lên rừng tìm kiếm hoa lan cho con gái, rồi bị tai nạn. Trong những ngày điều trị tại bệnh viện, ông kể cho con gái nghe về thời thanh xuân cùng những người bạn chinh phục hạnh phúc ra sao. Điều đáng nói, tôi viết cuốn này vào những ngày nghỉ cuối tuần. Tôi thường ngồi bên đầm sen, bên con sông quê, viết vào sổ sau đó về đánh máy lại. Trang văn có hương thơm của sen, có mùi vị đồng quê, có cánh diều. Có quá khứ tràn về hiện tại. Có tương lai được vẽ ra cùng ước mơ trăng sao.

Từ bản năng đến ý thức sinh thái

Trong những ngày học ở trường Viết văn Nguyễn Du, tôi đã dấn thân làm báo và tự làm đầy vốn sống của mình bằng những hành trình đi và trải nghiệm. Cùng lúc làm nhiều việc, học ở trường, học ngoài đời, viết văn, làm báo kiếm sống. Tôi quay như chong chóng, như thể sợ thời gian và tuổi trẻ trôi mau. Công việc viết văn, làm báo cho tôi khoái cảm của một người chinh phục, đó là chinh phục những bài viết có giá trị, chinh phục những vùng đất xa xôi, chinh phục những tác phẩm ngày càng chất lượng để theo kịp sự phát triển của các tờ báo, làng văn học trẻ. Công việc ấy đã “trả ơn” bằng việc giúp cá nhân người “lên đường” có tiền ăn học, vươn tới những ước mơ cao hơn. Từ những chuyến đi giúp bản thân hình thành một niềm hào hứng, thậm chí say mê róng riết viết về thiên nhiên, chim chóc, sông suối, con người ở trong môi sinh ấy.

Nhà báo Nguyễn Văn Học

Nhà báo Nguyễn Văn Học

Ở nhiều nơi, cuộc sống cư dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Một nguyên nhân có yếu tố do tác động của con người. Đó là một hiện thực. Hiện thực nóng bỏng và có tác động không chỉ với một cây bút phóng sự, mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng của người sáng tác văn chương trẻ. Từ cách sáng tạo bản năng, khai thác những đề tài mình thân thuộc, tôi hình thành một ý thức sinh thái, với một mức độ nhận thức tự giác đối với tự nhiên. Từ ý thức đó nghĩ về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của bản thân, cộng đồng trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên. Văn chương có khả năng hòa giải phần nào mâu thuẫn trực tiếp giữa người và thiên nhiên, xét ở khía cạnh con người đang khai thác thái quá, tận diệt môi trường. Cuối năm 2009, tốt nghiệp ra trường, tôi trở thành người làm báo chuyên nghiệp. Những chuyến đi càng củng cố chất liệu cho những sáng tác, tăng vốn sống. Tôi thuộc diện không trốn tránh hiện thực, luôn ao ước sáng tạo về những vấn đề con người quan tâm nhất, bức bối nhất bằng sự nhạy cảm của một người yêu thiên nhiên và luôn biết lắng nghe. Lắng nghe cuộc sống, lắng nghe sự quằn quại của các dòng sông ô nhiễm, những cánh rừng bị tàn phá, nhiều quả đồi bị cạo trọc đang kêu cứu… Đó là những vết thương tự nhiên mà chính con người là thủ phạm gây nên, song con người cũng là nạn nhân. Tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng” (NXB Hà Nội, năm 2017), hay tiểu thuyết “Linh Điểu” (NXB Dân trí, năm 2020) và “Đắm bầy virus” (NXB Dân trí 2022) là minh chứng cụ thể cho những vết thương của con người khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành động mình gây ra. Trong những cuốn sách này, tôi đề cao sự cộng sinh giữa con người và tự nhiên với một thông điệp rất rõ ràng rằng: Thiên nhiên cần con người đáp lại bằng sự cộng sinh, những hành động cụ thể, tạo mối quan hệ bền vững cho sự cộng sinh ấy. Bởi chỉ có chung sống hài hòa với tự nhiên, con người mới từ bỏ bớt sự ích kỷ, đua chen, hằn học để chinh phục sự cao thượng, nhân văn.

Viết văn là hành trình khám phá bản thân, khám phá môi sinh

Văn chương sinh thái cần sự chưng cất những chất men đời và những đúc rút sinh động để con người thấy mình cần thiên nhiên hơn. Từ đó thấy trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm được khởi sinh từ thực tế và những suy tư có ý thức. Ở tầm cao hơn, văn chương sinh thái không đi mô tả về môi trường, mà qua trực quan, ngôn ngữ của người viết sẽ cảm nghiệm và lý giải về môi trường bằng một ý thức được nâng lên ở tầm triết học. Cụ thể, người viết phải chỉ ra những nguy cơ sinh thái tự nhiên và những nguy cơ sinh thái về tinh thần trong xã hội tiêu dùng hiện đại. Nguy cơ sinh thái tinh thần bao giờ cũng khủng khiếp hơn nguy cơ sinh thái tự nhiên. Nguy cơ sinh thái tinh thần gây nên sự xuống cấp về văn hóa, tâm thái thiếu cân bằng, giống nòi bị thoái hóa, mối quan hệ giữa người với người bị đảo lộn. Bạn đọc khi tiếp cận tác phẩm sinh thái sẽ có hình dung sâu sắc hơn về tính dự báo, nhân văn, thẩm mỹ của tác phẩm ấy trong những vỉa tầng văn hóa, những lớp ngôn từ đa nghĩa.

Tác giả trong một chuyến tìm hiểu về động vật hoang dã.

Tác giả trong một chuyến tìm hiểu về động vật hoang dã.

Tất nhiên mảng đề tài sinh thái, môi trường còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tác phẩm văn chương viết về đề tài này chưa nhiều. Đó cũng là thách thức của cả người viết lẫn người đọc. Để có những trang văn hay, lay động người đọc không đơn giản. Chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều người viết nhận thức rằng, càng viết càng thấy thiên nhiên rộng lớn và viết mãi cũng không đủ. Càng viết thì càng muốn viết nữa. Nên lúc nào cũng muốn bồi bổ bản thân mình bằng kiến thức từ khoa học và cuộc sống. Như bao người cầm bút, viết văn để làm đời đẹp hơn, để tôn bồi những giá trị, thêm những nỗi trở trăn về môi sinh, những trăn trở về sự thay đổi sinh thái tinh thần. Văn chương sinh thái cần giúp con người không chỉ thêm yêu thiên nhiên mà biết sống chậm lại, bỏ bớt tục tằn, ham hố, nhỏ nhen, để xây dựng một sinh quyển nhân văn.

Dù ở đề tài nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tác phẩm phải hay, gây xúc động, có sự lay trở, thấy cái bi để yêu cái hùng, thấy cái hèn kém để ước mơ về cái vĩ đại, thấy những vết thương của môi sinh để cộng sinh với môi trường và ao ước chữa lành bằng hành động và thái độ nhân nghĩa. Người viết phải đọc thêm sách vở, những vấn đề liên quan sinh thái. Đó là một thách thức không nhỏ mà bất cứ người viết chân chính nào cũng phải vượt qua.

Mùa xuân 2018, với tư cách là một nhà văn trẻ quan tâm đến môi trường, tôi được mời tham dự Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc. Tại đó, hơn 60 nhà văn từ khắp các châu lục đã cất lên tiếng nói hướng đến một thế giới hòa bình, xanh và những giải pháp bảo vệ trái đất. Trong diễn đàn này, tôi ngộ ra các nhà văn thế giới đã tích cực quan tâm chủ đề sinh thái từ nhiều năm và nhiều cuốn chưa được dịch tại Việt Nam và tự thấy cần quan tâm hơn chủ đề này. Các nhà văn, các tác giả trong nước cần tập trung hơn cho một chủ đề sẽ gắn nhiều hơn đến đời sống chúng ta. Khi văn chương quan tâm và coi môi trường là một sinh thể đặc biệt, có đời sống, linh hồn và bình đẳng, hẳn sẽ có cách ứng xử văn minh và thân thiện hơn.