Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xử lý nghiêm hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật. Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 15-18/8 và phiên họp chuyên đề pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp chuyên đề về công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong 4 ngày làm việc, sẽ xem xét 11 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết.

Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 05 dự án Luật mà đã trình với Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến sẽ xem xét và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4 gồm: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. 

Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trình Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 gồm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).

Ba là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến và xem xét thông qua theo quy trình rút gọn dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao.

Bốn là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về 2 dự án Nghị quyết nhưng có tính chất như luật, phải trình Quốc hội xem xét để thông qua. Đó là, Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và Nghị quyết về ban hành Nội quy của kỳ họp (sửa đổi).

Lưu ý các nội dung trong phiên họp chuyên đề lần này nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải chuẩn bị kỹ tài liệu, tham gia họp đầy đủ, các thành viên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu cho ý kiến sâu rộng với các lĩnh vực này, nhất là những nội dung thuộc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chuyên môn sâu. Đồng thời cho ý kiến toàn diện các dự án luật để phiên họp có chất lượng cao nhất.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Phát lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. 

Nhà báo, luật sư sẽ bị phạt nặng nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh, Điều 1 và khoản 2 Điều 2 của dự thảo Pháp lệnh quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh là xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, pháp luật về thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình làm rõ tại sao xử phạt trong lĩnh vực tư pháp nặng hơn so với hành vi thông thường

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình làm rõ tại sao xử phạt trong lĩnh vực tư pháp nặng hơn so với hành vi thông thường

Dự thảo Pháp lệnh quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, với tổ chức đến 80 triệu đồng.

Đáng chú ý, theo dự thảo, nhà báo sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa. Hoặc không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.

Nhà báo cũng có thể bị phạt từ 7 triệu đến 15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ. Hoặc ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Thậm chí, mức xử phạt có thể từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng. Hoặc ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Dự thảo cũng quy định hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; hoặc lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng.Tuy nhiên, nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý có những hành vi trên thì mức xử phạt sẽ từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Tương tự, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật sẽ bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý có hành vi vi phạm trên thì mức phạt tiền là từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, theo dự thảo, người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại/người làm chứng tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại/người làm chứng khai báo gian dối sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng.Nhưng nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực, buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối thì mức phạt tiền sẽ từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng...

Cũng theo dự thảo, người tham gia tố tụng đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện hành vi trên, mức xử phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng....

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Cần làm rõ thế nào là cản trở hoạt động tố tụng

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình làm rõ tại sao xử phạt trong lĩnh vực tư pháp nặng hơn so với hành vi thông thường. “Ví dụ như đánh người gây thương tích thì trong luật hình sự đã quy định rồi, nhưng công an, kiểm sát viên đánh người thì đấy là hành vi nặng, buộc phải xử nặng.  Hay trường hợp làm hồ sơ giấy tờ giả, trong trường hợp bình thường thì có thể xử lý nhẹ hơn, nhưng cơ quan tố tụng làm sai hồ sơ giấy tờ thì liên quan đến sinh mạng con người nên phải xử nặng hơn”- Ông Nguyễn Hoà Bình nói và cũng khẳng định: mức xử phạt được thiết kế theo khung quy định và việc áp dụng có thể ở mức tối đa theo luật đặt ra chứ không vượt quá thẩm quyền.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình soạn thảo công phu, nghiêm túc, tinh thần vào cuộc từ sớm từ xa và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan chủ trì thẩm tra. Về các nội dung cụ thể, đối với phạm vi của Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ thế nào là hoạt động tố tụng, thế nào là cản trở hoạt động tố tụng, cần cân nhắc kỹ để quy định chặt chẽ. Với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, luật đã quy định rõ, dự thảo Pháp lệnh cần bám sát theo quy định của luật, nếu đã có quy định ở pháp luật chuyên ngành, đã có Nghị định của Chính phủ thì cần thực hiện theo mức xử phạt hành chính ở pháp luật chuyên ngành, không nhất thiết phải tăng mức phạt, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tính toán kỹ các trường hợp loại trừ, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi, hợp lý để chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm khi vi phạm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, không bỏ sót đối tượng, tránh vướng mắc, bất cập khi đi vào thực hiện.