Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đẩy giá thịt lợn lên cao

"Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đẩy giá thịt lợn lên cao; xử lý nghiêm tình trạng xuất nhập khẩu thịt lợn trái phép", là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tại Bộ NN&PTNT.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm ở hầu hết các nước trên thế giới với tổng số hơn 721 nghìn người nhiễm.

Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đẩy giá thịt lợn lên cao - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân đang tập trung phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Dịch bệnh cũng tác động lớn đến phát triển của hầu hết các ngành kinh tế, làm suy giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội và từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đất nước còn nhiều khó khăn, nên việc chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng với Chính phủ là rất quan trọng.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành chăn nuôi vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, nhưng đã kiểm soát tốt được dịch bệnh để phát triển đàn lợn.

Từ đầu năm đến nay, tốc độ tái đàn, tăng đàn lợn đạt tỉ lệ 6,2% (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019). Tổng sản lượng thịt lợn đạt lượng 810.000 tấn. Việc duy trì phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển đàn lợn nói riêng đã góp phần rất quan trọng để phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống của người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao. Phó Thủ tướng dẫn chứng thông tin báo chí đăng tải ngày 29/3 cho biết giá lợn hơi đang ở mức 82.000 - 85.000 đồng/kg ở miền Bắc; 72.000 - 85.000 đồng ở miền Trung - Tây Nguyên; 75.000 - 81.000 đồng ở miền Nam.

Về nguyên nhân của việc tăng giá thịt lợn, Phó Thủ tướng phân tích, do nguồn cung thấp hơn cầu khi đàn lợn bị giảm vì dịch bệnh; do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch. Bên cạnh đó, có hiện tượng "găm hàng", hạn chế bán để chờ giá lên. Ngoài ra, cơ cấu trong giá thịt lợn còn bất hợp lý (chi phí trung gian lớn 40 - 45%).

Việc giá thịt lợn cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khi dịch bệnh. Trong lúc nhiều người phải nghỉ việc, ít việc, thu nhập thấp do dịch bệnh lại phải chi tiêu cao sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân. Mặt khác, giá thịt lợn ở mức cao sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

"Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là trách nhiệm về mặt kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân. Bên cạnh đó là tập trung tăng nguồn cung thịt lợn, phù hợp với nhu cầu của thị trường ở trong nước, khu vực và thế giới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phối hợp các địa phương, doanh nghiệp có giải pháp hạ giá thành chăn nuôi. Tăng cường kiểm soát về giá trên thị trường, kiểm soát chi phí khâu trung gian. Trong thời gian tới, xây dựng kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch tăng đàn, tái đàn lợn nhưng bảo đảm cân bằng cung cầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng các chuỗi chăn nuôi, sản xuất, cung ứng, vùng an toàn dịch bệnh. Kiểm soát các dịch bệnh trên lợn, trong đó có dịch tả lợn châu Phi. Bảo đảm cung ứng thịt trong bối cảnh COVID-19, không để tâm lý hoang mang, ổn định thị trường.