Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xuất khẩu của ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,5%

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành NN&PTNT diễn ra chiều 24/12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật là một trong những khó khăn điển hình mà nông sản Việt Nam phải đổi mặt trong quá trình xuất khẩu. Ở góc độ này, đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, trong năm 2020, toàn ngành đã tích cực giải quyết vướng mắc rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật và thực vật với các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, EU, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Xuất khẩu của ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,5%  - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông sản năm 2020 tiếp tục tăng trưởng.

Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, tham mưu cho Chính phủ các nội dung liên quan mặt hàng gạo và xuất khẩu gạo; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; xử lý hài hòa để tránh các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ về vấn đề nhập siêu và duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường này…

Nhìn lại năm 2020, điểm không khó nhận ra là nông nghiệp Việt Nam đã liên tiếp phải đối mặt khó khăn kép. Đó là dịch Covid-19, dịch bệnh lan tỏa cả thế giới làm "đứt, gãy" các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn phải đương đầu với tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL… Trên thực tế nửa đầu năm, việc xuất khẩu không ít các mặt hàng nông sản tỷ USD đã ghi nhận sự sụt giảm không nhỏ, đặt ra lo ngại chất chồng về chặng đường về đích khó khăn cho cả năm.

Tại thời điểm tháng 6/2020, "tư lệnh" ngành nông nghiệp đã phải nhấn mạnh: "Chúng ta phải nhìn lại cục diện bất thuận, thách thức trong 6 tháng qua và các tháng tiếp theo, từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch điều hành và hành động đồng bộ tất cả các khu vực, từ hành chính, sự nghiệp cho đến các doanh nghiệp. Phương châm là với thách thức kép thì phải quyết tâm và cố gắng thực hiện gấp 2-3 lần". Qua đó thấy rằng, những "trái ngọt" cuối năm không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả cả quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống.

Bên cạnh những thắng lợi thu về, ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Đó là quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Cùng với đó, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, tuy đã có rất nhiều kết quả, cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh; tổn thất sau thu hoạch còn cao...

Năm 2021, toàn ngành xác định tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Riêng đối với thị trường quốc tế sẽ nỗ lực tận dụng các hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực.

Duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Trung Đông, Argentina; lựa chọn đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...

Năm 2020, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt; tôm; rau quả; hạt điều và gạo). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Đối với thị trường xuất khẩu, trong năm qua, ngành nông nghiệp đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như: Vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản; chôm chôm vào Đài Loan; dâu tây và bí ngô vào New Zealand; tôm và cá tra xuất khẩu vào Brazil...