Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Y tế cơ sở: "Căng mình" nỗ lực phòng chống dịch

Trong những ngày gần đây, dịch Covid-19 tiếp tục có những biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội với số ca mắc mới đều trên 6000 ca mỗi ngày, riêng ngày 23/2 đã tăng vọt lên 7.500 ca và ngày 24/2 là 8.864 ca. Điều này đã gây áp lực cực lớn và tình trạng quá tải cho hệ thống y tế của Thủ đô, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở tại các xã, phường.

Nhân viên y tế stress vì quá tải

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 27/4/2021 đến sáng 22/2/2022, Hà Nội có tổng số 201.859 bệnh nhân mắc Covid-19, hiện đang điều trị 78.710 người. Số F0 được điều trị tại nhà là hơn 72.500 người; tại cơ sở thu dung quận, huyện khoảng 1.200 người và tại các bệnh viện hơn 4.500 người. Khoảng 80% tổng số bệnh nhân ở thể nhẹ và không triệu chứng được điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động.

Trước đây, y tế cơ sở chủ yếu làm nhiệm vụ truy vết, tiêm chủng, xét nghiệm, nay thêm chức năng mới là quản lý, điều trị F0 tại nhà. Đây là lực lượng tuyến đầu đã không ngừng nghỉ nỗ lực trong suốt 2 năm qua chiến đấu với dịch bệnh. Tuy nhiên, hệ thống này đang thiếu nhân lực trầm trọng. Theo thống kê của Sở Y tế, nhân lực tại mỗi trạm y tế rất ít, chỉ có từ 5-10 cán bộ, kể cả những xã, phường có tỷ lệ dân số cao trên 30.000 dân/đơn vị như tại quận Hoàng Mai và quận Đống Đa, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Hà Nội hiện có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mỗi trạm chỉ tối đa có 10 người, chủ yếu là nữ giới, thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe cho tối đa 13.000-15.000 dân (mới đáp ứng được khoảng 30%) trong điều kiện bình thường, chưa kể khi có dịch bệnh nguy hiểm.

Có mặt tại Trạm Y tế phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy chúng tôi mới thấy hết được nỗi vất vả của các nhân viên y tế nơi đây. Cử nhân Nguyễn Thị Xuân – Phó trưởng tạm, Phụ trách Trạm Y tế phường Trung Hòa cho biết, trạm chỉ có 1 bác sĩ và 9 cán bộ nhân viên cùng một bảo vệ. Trong 2 năm căng mình chống dịch vừa qua, đặc biệt là thời gian gần đây, trạm vừa phải tiếp nhận thông tin F0, tiêm phòng, xử lý các trường hợp cấp cứu gọi đến; cập nhật tất cả thông tin người dân phản ánh; tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại 24/24 giờ, điều trị, hướng dẫn, tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm để khẳng định F0, lấy mẫu cho các đối tượng đã cách ly xong âm tính hoặc nghi ngờ ho sốt, cấp giấy hoàn thành cách ly, khám sức khỏe thông thường… Khối lượng công việc quá nhiều, làm quần quật cả ngày lẫn đêm, kể cả ngày nghỉ. Từ trước Tết, mỗi ngày trạm tiếp nhận dao động từ 60-100 F0, từ sau Tết lên 200-300 F0/ngày, gấp 3 lần dịp trước Tết.

Chị Nguyễn Thị Xuân vừa nghe điện thoại tư vấn, vừa làm các thủ tục giấy tờ cho người dân khi đã âm tính.

Chị Nguyễn Thị Xuân vừa nghe điện thoại tư vấn, vừa làm các thủ tục giấy tờ cho người dân khi đã âm tính.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn vì các cuộc điện thoại gọi đến, cả những người dân trực tiếp đến trạm để hỏi những vấn đề liên quan đến F0, từ điều trị thế nào, khai giấy tờ ra sao… Khi được hỏi về cuộc sống gia đình liệu có bị xáo trộn khi chị cứ đi làm tối ngày, chị Xuân mắt đỏ hoe kể: “Công việc bận tối mắt, người thân của chúng tôi cũng bị F0 mà không thể chăm sóc được, nhiều lúc còn không có thời gian để gọi điện thăm hỏi người thân. Mẹ tôi ở quê bị ngã gãy xương tôi cũng không về thăm được”. Hàng ngày toàn phải tiếp xúc với người bị F0, về nhà sợ bị lây cho người thân, rồi liên tục các cuộc điện thoại của người dân gọi đến, bất kể ngày đêm, nếu vì một lý do nào đó mà chưa trả lời được ngay là họ bức xúc, thậm chí là đe dọa, tạo rất nhiều áp lực cho chúng tôi khiến tôi rất ám ảnh và stress”.

Quá tải hệ thống y tế cơ sở

Tại một “điểm nóng” điển hình cho quá tải y tế cơ sở là Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), vào chiều ngày 24/2, mặc dù lượng người dân đến không còn đông nghịt như những ngày trước nhưng vẫn có hàng dài người xếp hàng để chờ lấy kết quả xét nghiệm và giấy xác nhận âm tính. Khi muốn phỏng vấn Trạm trưởng thì các nhân viên y tế cho biết người đứng đầu ở đây đang phải cách ly tại nhà vì đang nghi là F0!

Các trạm y tế vẫn đang trong tình trạng quá tải và gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo khi người dân tập trung quá đông.

Các trạm y tế vẫn đang trong tình trạng quá tải và gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo khi người dân tập trung quá đông.

Tại Trạm Y tế phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm người đứng xếp hàng chờ làm các giấy tờ thủ tục liên quan đến F0 hoặc đã âm tính… 

Theo các nhân viên y tế tại đây, trong những ngày qua, việc khai báo y tế có sự trùng lặp quá nhiều nhóm thông tin gửi đến trạm, trong khi lực lượng cán bộ y tế có hạn và số lượng F0 hằng ngày tăng nhiều. Trạm Y tế phường cũng lo ngại giám sát qua mạng có trường hợp người dân làm không đúng… nên đã ban hành thông báo gửi các đồng chí bí thư, tổ trưởng, ban quản lý tòa nhà và nhân dân trên địa bàn phường.

Xét nghiệm cho người dân tại Trạm Y tế phường

Xét nghiệm cho người dân tại Trạm Y tế phường

Theo một lãnh đạo phường Hoàng Liệt, dân số của phường quá đông (90.000 người), thời điểm này dịch bệnh lây lan nhanh, nhu cầu xét nghiệm của người dân lớn, trong khi Trạm Y tế phường chỉ có 11 người cán bộ, nhân viên nên dù đã được tăng cường thêm một số sinh viên ngành y hỗ trợ nhưng vẫn không tránh khỏi quá tải.

Tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để triển khai quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tuyến y tế cấp cơ sở; đồng thời yêu cầu, các đơn vị phải chủ động có phương án tăng cường lực lượng cho các địa bàn "nóng"; tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở (tập trung quản lý F0 tại nhà).

Tuy nhiên, theo chị Xuân: “Việc tăng cường cán bộ y tế cho tuyến cơ sở thì chắc vẫn phải chờ. Hiện giờ phụ cấp cho các cán bộ nhân viên y tế vẫn như cũ. Ngoài ra, tiền hỗ trợ trực là 221 nghìn nhưng trực 24h, mỗi ca trực chỉ cho đúng 1 người, nhưng thực tế như trên bảng, chúng tôi trực 4 người, có hôm ít nhất là 2 người; thứ bảy chủ nhật ít nhất là 3 người. Số tiền ấy chúng tôi chia đều cho nhau. Hiện có thông tin mức phụ cấp sẽ tăng từ 300 nghìn lên 450 nghìn đồng/ngày, ngày công đi tiêm chủng tăng từ 150 nghìn lên 240 nghìn nhưng thực tế chúng tôi chưa được hưởng gì”.

Chị Xuân cũng kiến nghị: “Trước lượng ca F0 ngày một tăng cao, cái chúng tôi cần là hỗ trợ nhân lực y tế để phục vụ người dân tốt hơn. Hiện dân đang bức xúc và phàn nàn, trách nhiều hơn khen. Bên cạnh đó, cần có chế độ hỗ trợ về kinh phí, động viên kịp thời cho cán bộ y tế. Có như vậy họ mới có sức để tái tạo sức lao động và có nhiệt huyết để yên tâm cống hiến. Về cơ sở vật chất, cấp trên cần cung cấp đầy đủ trang thiết bị y tế để cho cán bộ y tế cơ sở có thể yên tâm làm việc mà không sợ lây nhiễm như: đồ bảo hộ, trang thiết bị hỗ trợ cấp cứu kịp thời như bình ô xy, mặt nạ bóp bóng, kit test, thuốc nhóm A, B, C cung cấp cho người dân… Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách trả thù lao cho lực lượng y, bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y được huy động…”.

Từ góc nhìn của cán bộ quản lý, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đưa ra đề xuất: “Hiện nay, người có nhu cầu xét nghiệm tăng cao mà lực lượng y tế mỏng, nhiều nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện hỗ trợ đã chuyển thành F0 nên không đáp ứng đủ. Do vậy, để giảm tải cho tuyến y tế cơ sở, nhất là trong việc xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận cho các F0 đã âm tính, Bộ Y tế cần điều chỉnh quy định xác định bệnh nhân F0 theo hướng phù hợp thực tiễn, thích ứng linh hoạt. Cụ thể là có thể giao cho tổ Covid-19 cộng đồng xác định kết quả dương tính hay âm tính (không nhất thiết phải thông qua nhân viên y tế)”.

Hà Nội hiện có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mỗi trạm chỉ tối đa có 10 người, chủ yếu là nữ giới, thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe cho tối đa 13.000-15.000 dân (mới đáp ứng được khoảng 30%) trong điều kiện bình thường, chưa kể khi có dịch bệnh nguy hiểm.