Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Yên Bái: Giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn vướng mắc

(Dân sinh) - Tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác công nhận người có công với cách mạng, về cơ bản đã bao phủ toàn diện các đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn, từ đó đã giải quyết cơ bản được các hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn vướng mắc, góp phần hạn chế các trường hợp khai man, làm giả hồ sơ để trục lợi chính sách.

Yên Bái: Giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn vướng mắc - Ảnh 1.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hiền.

Thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận và thẩm định 873 lượt hồ sơ đề nghị công nhận người có công, trong đó đã có 714 hồ sơ được công nhận, bao gồm người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Thực hiện công tác công nhận người có công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa góp phần tri ân người có công với đất nước vừa thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, là tiền đề của việc giải quyết chính sách đúng chế độ, đúng đối tượng.

Giai đoạn 2013 - 2020, Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đã tổ chức được 28 lớp tập huấn về pháp luật, chính sách người có công cho gần 2.000 lượt cán bộ, công chức các cấp. Thông qua các đợt tập huấn, đã thực hiện lồng ghép các nội dung về công nhận người có công cho cán bộ làm chính sách, nhất là nội dung các quy định của pháp luật mới ban hành.

Công tác học tập, quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về công tác công nhận người có công với cách mạng đã được đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng; góp phần giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chính sách; là cơ sở quan trọng để phát huy dân chủ, đoàn kết ở cơ sở, có tác động rất lớn trong việc huy động cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác công nhận người có công với cách mạng.

 Tại các cơ quan thực hiện nhiệm vụ công nhận người có công với cách mạng đều bố trí biên chế đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh hiện có 219 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ xác lập hồ sơ, công nhận người có công.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng là hết sức quan trọng nhằm cung cấp thông tin các văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn thi hành đến tất cả các cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH từ tỉnh đến huyện, xã, thôn bản và nhân dân trong tỉnh.