Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Yên Bái thay đổi tư duy người dân, phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo

Qua 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (2016 – 2020), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giảm từ 32,21% xuống còn 7,04%. Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,28% so với năm 2020, mức sống người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh đến mọi tầng lớp nhân dân

Đồng chí Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2021, dù chịu sự tác động của đại dịch COVID-19, nhưng công tác thực hiện các chính sách, hoạt động hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn được quan tâm triển khai đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Theo đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay đối với 21.974 hộ gia đình với tổng doanh số cho vay trên 985 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó, số khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 8.999 hộ với tồng số vốn cho vay là 557,8 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị cấp phát 377.820 thẻ BHYT cho các đối tượng là người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn… với tổng kinh phí hơn 367 tỷ đồng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, thực hiện chính sách đối với học sinh bán trú và trường bán trú cho tổng số 206.124 lượt học sinh, hỗ trợ 2.955 tấn gạo cho 59.138 lượt học sinh với tổng kinh phí thực hiện hơn 122 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm, tặng quà hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm, tặng quà hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

Đặc biệt, trong năm 2020 và năm 2021 tỉnh Yên Bái đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch của HĐND, UBND tỉnh về hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Đề án và Kế hoạch đạt trên 127,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 14,55 tỷ đồng, còn lại là huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.117 căn nhà cho hộ gia đình người có công và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở. Việc thực hiện các đề án, kế hoạch nói trên đã góp phần khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư. 

Nỗ lực vươn lên thoát nghèo, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Được biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Yên Bái đã huy động nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên 19.600 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ ngân sách trung ương trên 1.200 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chính sách giảm nghèo và lồng ghép từ các dự án, đề án gần 18.400 tỷ đồng.

Năm 2021, toàn tỉnh huy động trên 2.800 tỷ đồng thực hiện công tác giảm nghèo. Đặc biệt, 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, trong đó, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 30a tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải trên 470 tỷ đồng. Đối với Chương trình 135, tỉnh Yên Bái hỗ trợ đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện trên 760 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ; đứng thứ 11 trong khu vực). Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ). Riêng tại 2 huyện 30a Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước.

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: “Những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Đó cũng là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.