Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Linh Điểu

Thai nghén và cho ra đời những đứa con tinh thần được bạn đọc đón nhận, ghi nhớ, trân trọng là một thành công của nhà văn. Với tiểu thuyết Linh Điểu (NXB Dân Trí, 2020), Nguyễn Văn Học đã để lại những ấn tượng sâu sắc về một nhà văn luôn trăn trở với môi trường và nỗ lực tìm cho mình một hướng đi riêng để khẳng định cá tính sáng tạo trong lao động nghệ thuật nhọc nhằn.

Được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2018, anh đã chứng tỏ bút lực dồi dào khi liên tiếp xuất bản những đầu sách mới, mang những thông điệp sâu sắc, đa chiều về môi trường thiên thiên cũng như những trăn trở về các vấn đề nhân sinh. Điều mới mẻ ở tiểu thuyết Linh Điểu là những yếu tố kỳ ảo đã được nhà văn sử dụng như một phương tiện nghệ thuật để chuyển tải ý nghĩa của tác phẩm.

Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Linh Điểu - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Học trong một chuyến thực tế tại Bắc Giang.

Trước Linh Điểu, Nguyễn Văn Học đã khai thác đề tài môi trường qua một loạt tác phẩm: Nhạc cây, Mình ơi anh cưới dòng sông nhé… Người đọc dễ dàng nhận ra một tâm hồn nhà văn đa cảm, giàu lòng trắc ẩn với thiên nhiên, đau đáu nỗi niềm môi sinh đang bị hủy hoại bởi chính bàn tay con người qua cách viết giàu cảm xúc suy tư và chiêm nghiệm từ hiện thực mà nhà văn quan sát, thấu cảm. Linh Điểu có một bước chuyển mình mạnh mẽ trong nội dung khám phá. Những góc khuất trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, con người với con người được nhà văn vạch trần nhưng không đơn giản chỉ là phản ánh hiện thực. Nguyễn Văn Học chọn một phương thức khám phá mới. 

Bút pháp hiện thực pha trộn màu sắc huyền ảo đã đem đến sức hấp dẫn cho Linh Điểu, thể hiện rõ nhất ở cách xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm - Diệp Vân. Vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi vì những nỗi éo le của thân phận người mẹ, cô may mắn được gia đình cô giáo Diệp Chi cưu mang, nuôi nấng và yêu thương như con ruột. Từ bé Diệp Vân đã có một mối giao cảm kỳ lạ với chim muông. Càng lớn, cô càng có tình yêu mãnh liệt dành cho những "sứ giả của bầu trời". Những chú chim làm xanh da trời, đem lại cho cuộc đời tiếng hót và sắc màu nhưng lại rơi vào thảm cảnh, có nguy cơ tuyệt chủng bởi sự tận diệt của con người. Cô tìm mọi cách để cứu chúng thoát khỏi nanh vuốt của đám "cò tặc", thoát khỏi những cạm bẫy chực chờ; bỏ công sức để chữa lành vết thương cho cu gáy lạc vào nhà trong cơn mưa bão, bỏ tiền để cứu chim cò thoát khỏi làm móm ăn trên bàn nhậu, mất ăn mất ngủ vì lo cho sự bình yên của đàn cò trong vườn bà ngoại…Điều gì khiến cô gái ấy có trái tim nhân ái bao la đến vậy? Người đọc sẽ bị cuốn vào câu chuyện để đi tìm lời giải mã bắt đầu từ chi tiết đặc biệt, có phần kỳ ảo, lạ lùng, đó là hai vết sẹo bẩm sinh sau vai của Diệp Chi. Hai vết sẹo bí ẩn ấy cứ lớn dần lên, tấy đỏ và mọc cánh sau khi cô trải qua một trận ốm sốt. Đó là một đôi cánh thực sự đẹp, linh hoạt, giống như loài chim cò đã dùng cánh để bay lên. 

Nỗi sợ hãi, ám ảnh về đôi cánh chim kỳ dị, khác người ấy choán lấy tâm trí cô, đi vào cả giấc mơ như nỗi ám ảnh về bầy chim bị tàn sát. "Đến nỗi trong giấc ngủ, cô thấy mình bị săn đuổi bằng súng hơi, lưới vây và đôi cánh rã rời quẫy đạp hòng chạy trốn". Khi nhận ra mình có dấu hiệu khác người trên hình hài, Diệp Vân thường rơi vào mộng mị, khắc khoải với câu hỏi mình là ai: "Con không phải là người. Con cũng không phải là quỷ dữ. Con là hiện thân của ta, là khí cụ thực hành sứ mệnh của ta" (trang 84). 

Cô nặng nề ngẫm nghĩ không biết thế lực siêu nhiên nào đang áp chế bản thân và điều bí mật nào đang chờ đợi mình phía trước. Phải chăng cô là thiên thần có cánh, là thiên sứ của bầu trời, được gửi xuống thế gian vì một sứ mệnh cao cả, gieo niềm vui và mầm thiện, ngăn cản con người đừng giẫm nát cỏ hoa, đừng tận diệt chim muông. Nhiều lúc cô đã muốn cất cánh và tập bay, đôi cánh xòe ra cụp lại. Cô tập bay trong không gian bát ngát của đồng cỏ xanh. Chi tiết đôi cánh của Diệp Vân trở đi trở lại nhiều lần trong tiểu thuyết như một ám ảnh nghệ thuật, dẫn dắt người đọc hồi hộp đi đến tận cùng thiên truyện.

Bìa tiểu thuyết Linh điểu, NXB Dân trí 2020.

Bìa tiểu thuyết Linh Điểu, NXB Dân trí 2020.

Cô gái trẻ không thể thực hiện những điều cao cả, bởi một mình cô, cùng nhóm bè bạn không thể đi ngược với rất nhiều kẻ nhẫn tâm, những tấm lưới bạc ác, họng súng hơi và sự dã mạn của quán nhậu. Nhưng cô vẫn cố gắng sống tốt, cải hóa những kẻ tận diệt, đặt biệt là Hùng, một thanh niên khét tiếng ngịch ngợm, cậy thế, sẵn sàng đốt cả vườn đồi để tìm chim chóc nhắm rượu.

Hình tượng Diệp Vân chính là một biểu tượng của tiểu thuyết Linh Điểu. Linh Điểu là loài chim thiêng, Vân là mây, là một chú chim thánh thiện; cả hai đều đến từ bầu trời, thuộc về bầu trời, thuộc về thế giới tự do. Nếu con người ứng xử không tốt, thậm chí hành xử thô bạo và tàn ác thì Linh Điểu cũng sẽ không ở lại với con người. Cái chết của Diệp Vân ở cuối tác phẩm nhuốm màu kỳ ảo khi cô nỗ lực cứu Đồi Cò trong trận hỏa hoạn. Cô bị nuốt vào trong đám lửa nhưng người làng không tìm thấy xác cô, chỉ thấy xác những chú chim và nhiều ngày sau đó họ nghe thấy những tiếng chim từ xa vọng lại, da diết, oán hờn. Phải chăng Diệp Vân đã đi cùng các thiên sứ "về trời"? Cái kết có phần bi thương nhưng lại gieo vào lòng người đọc niềm hi vọng, niềm tin mãnh liệt về sự hóa thân của con người suốt đời chỉ biết làm điều thiện; đồng thời cũng khẳng định khát vọng tình yêu, khát vọng được bảo vệ và hòa hợp với Mẹ thiên nhiên của những tâm hồn cao đẹp.

Qua nhân vật Diệp Vân, nhà văn khắc họa những nỗi đau nhân sinh, phơi bày những bi kịch, những mất mát không gì bù đắp được khi con người phản bội lại môi trường sống của chính mình. Gạt bỏ những yếu tố huyền ảo, người đọc sẽ thấy sự thật trần trụi, nhức nhối mà mặt trái của xã hội hiện đại, của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đem lại cho đời sống con người: những làng ung thư, những đứa trẻ chết yểu hoặc may mắn làm người thì bị dị tật, bị xa lánh và ghẻ lạnh. Những cái chết tức tưởi của bà ngoại, của mẹ đẻ Diệp Vân cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về cái ác tồn tại và hoành hành trong xã hội. Cái ác đã bị trừng phạt và trả giá như một lẽ tất yếu nhưng người đọc vẫn không khỏi xót xa và thương cảm. Ẩn đằng sau những yếu tố kỳ ảo là hiện thực nhức nhối của nhân sinh, của cõi người. Những vấn đề nóng bỏng có tính thời sự được đề cập trong tiểu thuyết Linh Điều khiến người đọc không khỏi giật mình: Từ nạn bạo hành gia đình đến bi kịch ngoại tình, đói nghèo và lòng tham, đồng tiền và thói ích kỷ, đặc biệt là sự kỳ thị của xã hội đã đẩy những thân phận đáng thương trở nên cô đơn, lạc lõng, mất cả tình yêu và hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng.

Bên cạnh việc sáng tạo hình tượng, tạo ra những chi tiết kỳ ảo (Diệp Vân mọc cánh, tập bay, thèm ăn thóc, lén ăn vụng gạo, nói chuyện với chim, chạm vào cô Hằng thì đôi cánh cháy sém…), Nguyễn Văn Học còn sử dụng một thứ ngôn ngữ phong phú, phức điệu, vừa đối thoại vừa triết lý; vừa giản dị, gần gũi vừa bay bổng, giàu chất thơ: "Những chùm chim trắng được sinh ra từ những chòm mây tinh tuyền. Mây quyện vào cánh chim tạo mối giao hòa huyền ảo. Cánh chim dìu bầu trời vào nhan sắc, như thể cả bầu trời chuẩn bị bước vào một trận ái ân" (trang 164). Qua các tầng nghĩa ngôn từ, người đọc đần khám phá chiều sâu của tác phẩm với những thông điệp nhân văn.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, chia sẻ: "Qua những sáng tác gần đây, Nguyễn Văn Học đang ngày một bộc lộ rõ hơn những khắc khoải của mình về môi trường sống. Đọc sách của anh, người ta thấy một nhà văn có trách nhiệm, đã lên tiếng trước những vấn đề cốt lõi của môi sinh, nhân sinh".

Linh Điểu đã chứng tỏ những tìm tòi, thể nghiệm trong bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Văn Học. Yếu tố kỳ ảo được tiết chế vừa phải, đủ để độc giả cảm nhận cái phi lý trong sự hợp lý, mối liên hệ giữa hiện thực và hoang đường, báo hiệu một hướng đi riêng và hứa hẹn những thành công mới của nhà văn.