Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Báo chí và công tác tuyên truyền về hoạt động hợp tác công – tư (PPP)

Sáng 4/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, tổ chức Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng”.

Chủ trì Hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, PGS. TS Trần Chủng.

Báo chí và công tác tuyên truyền về hoạt động hợp tác công – tư (PPP) - Ảnh 1.

Tới tham dự Hội thảo còn có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương và một số DN trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Báo chí và công tác tuyên truyền về hoạt động hợp tác công – tư (PPP) - Ảnh 2.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT (bên trái) và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng

Các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận về hiệu ứng tích cực của mô hình hợp tác công tư - PPP, thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Hợp tác công - tư (PPP) là một hình thức phổ biến của các nước trên thế giới trong mấy thập niên gần đây, nhằm phát huy thế mạnh của cả khu vực công và khu vực tư cho phát triển, đặc biệt đối với những lĩnh vực mà trước đây thường nhấn mạnh vai trò của nhà nước. Với hình thức này, Chính phủ chủ động kêu gọi sự tham gia của thành phần tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Không tồn tại một hình thức PPP chuẩn và mỗi nước đều có chiến lược riêng tùy thuộc bối cảnh, thể chế, nguồn tài trợ và tính chất của dự án.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia chưa phát triển và đang phát triển, đều đối mặt với thách thức nhu cầu đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực nhà nước hạn hẹp và không thể đáp ứng. Giải quyết thách thức này, việc áp dụng mô hình đầu tư PPP để huy động nguồn lực của các nhà đầu tư tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông được sử dụng rộng rãi.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: "Những năm gần đây, nhiều nguồn lực xã hội đã được huy động, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, mang lại thành quả to lớn cho đất nước".

Báo chí và công tác tuyên truyền về hoạt động hợp tác công – tư (PPP) - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

"Trong công tác tuyển truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hạ tầng giao thông, báo chí có vai trò quan trọng, vừa tuyên truyền, phổ biến, phản ánh thực tiễn sinh động, vừa giám sát và phản biện chủ trương, chính sách, vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong xã hội", ông Hồ Quang Lợi khẳng định.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, thực tế triển khai các dự án PPP giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt là còn nhiều rào cản trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách từ T.Ư đến địa phương cần được tháo gỡ.

Trong tham luận tại hội thảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng nêu lên một khó khăn không nhỏ đối với các dự án PPP giao thông. Đó là không ít nhà báo, cộng tác viên báo chí luôn mang sẵn định kiến BOT là móc túi dân, lợi ích nhóm. Không ít bài báo rất hào hứng tường thuật việc gây mất an ninh, trật tự ở trạm thu phí, thông tin đậm các cuộc thanh kiểm tra đối với dự án BOT, trong khi tiếng nói của nhà đầu tư thì được đưa rất hạn chế.

Báo chí và công tác tuyên truyền về hoạt động hợp tác công – tư (PPP) - Ảnh 5.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Về vấn đề này, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Nguyễn Hòa Văn phân tích: "Công bằng mà nói, không trách được sự bức xúc của người dân, sự chỉ trích mạnh mẽ của báo chí và truyền thông xã hội về những tiêu cực khi thực hiện hợp tác công – tư, trong đó có các dự án BOT giao thông".

"Nguyên nhân chính của sự nhìn nhận sai lệch nói trên là do qúa trình thực hiện chủ trương đúng đắn này, việc xây dựng chính sách pháp luật chưa theo kịp yêu cầu, còn để tồn tại quá nhiều vướng mắc, bất cập. Sự suy thoái, tham nhũng của bộ máy công quyền và sự tham muốn lợi nhuận cao của một số nhà đầu tư đã hình thành nhóm lợi ích và sự gian dối để đạt được mục đích riêng" – Nhà báo Nguyễn Hòa Văn lý giải.

Hội thảo cũng nhận được nhiều sự đóng góp ý kiến, đề xuất nhiều sáng kiến, góp phần xây dựng hạ tầng giao thông ngày càng hiệu quả hơn.