Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chế độ dinh dưỡng kém gây tổn hại sức khỏe trẻ em

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức công bố Báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019; Khung hành động cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và thực hành cho trẻ ăn bổ sung ở Việt Nam.

57% người Việt ăn thiếu rau, thừa muối, thừa bia rượu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác đảm bảo dinh dưỡng đối với bà mẹ, trẻ em được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế, cũng như ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chính sách, chương trình, đề án về công tác này. Tuy nhiên, trong thực tế việc bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện trong thời gian tới.

Cảnh báo chế độ dinh dưỡng kém gây tổn hại sức khỏe trẻ em - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện UNICEF ký cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em Việt Nam.

Để khắc phục những tồn tại, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về dinh dưỡng. Việc tuyên truyền phải dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng phải có cách làm gần gũi, dễ hiểu để người dân dễ tiếp thu và thay đổi những hành vi bất hợp lý.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan hữu trách cần hợp tác chặt chẽ với chuyên gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tham khảo, nghiên cứu xây dựng, đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án, chương trình hợp lý về dinh dưỡng…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện UNICEF ký cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em Việt Nam. Nhấn mạnh vấn đề đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em ở miền núi và các vùng khó khăn, Phó Thủ tướng cho biết, tỷ lệ trẻ em miền núi bỏ học có nguy cơ gia tăng nếu chúng ta không có giải pháp hỗ trợ về dinh dưỡng. Bởi đa số nhà các cháu ở xa trường nếu buổi trưa phải đi bộ về nhà ăn cơm là buổi chiều các cháu bỏ học. Chúng ta cần có giải pháp hỗ trợ để ít nhất các cháu đến trường, ngày học 2 buổi được ăn 1 bữa trưa đủ dinh dưỡng, có như vậy chất lượng giáo dục mới được nâng lên. Ông đề nghị, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan sớm bắt tay nghiên cứu, xây dựng một đề án cụ thể về vấn đề này. Và trước hết có thể tiến hành làm thí điểm ở miền núi, vùng khó khăn.

Cản trở cơ hội phát triển của trẻ em

Báo cáo "Tình hình trẻ em thế giới năm 2019: Trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng" của UNICEF chỉ rõ: Cứ 3 trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt thể chất và trí não khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Ít nhất 1 trong 3 trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân; 1 trong 2 trẻ em bị đói tiềm ẩn, cản trở cơ hội của hàng triệu trẻ em được phát triển, phát huy hết tiềm năng cơ hội của hàng triệu trẻ em được phát triển, phát huy hết tiềm năng của mình. Gánh nặng của 3 dạng thức suy dinh dưỡng – thiếu dinh dưỡng, đói tiềm ẩn, thừa cân - đe dọa đến sự sống còn, phát triển của trẻ em, thanh thiếu niên, nền kinh tế và quốc gia...

Báo cáo cũng cảnh báo, thói quen ăn uống và việc cho trẻ ăn thực phẩm kém dinh dưỡng đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ mới ra đời. Trẻ em càng lớn, việc tiếp xúc với thực phẩm không lành mạnh càng trở nên đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động quảng cáo, tiếp thị không phù hợp. Từ năm 2000 đến 2016, tỷ lệ trẻ em thừa cân từ 5 đến 19 tuổi đã tăng gấp đôi, từ 1 trong 10 trẻ thành 1 trong 5 trẻ. So với năm 1975, ngày nay, số trẻ em gái ở nhóm tuổi này mắc bệnh béo phì tăng gấp 10 lần, số trẻ em trai tăng gấp 12 lần. Bên cạnh đó, thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu dẫn đến khủng hoảng lương thực trầm trọng.

Phụ nữ, trẻ nhỏ ở Việt Nam đang chịu gánh nặng 3 lần về suy dinh dưỡng. Chế độ ăn không đầy đủ của bà mẹ dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc thừa cân khi mang thai và con của họ có nguy cơ bị nhẹ cân sơ sinh. Chế độ ăn không đầy đủ trong giai đoạn trẻ ăn bổ sung thường rất phổ biến ở Việt Nam. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2015, 18% trẻ em không được cho ăn đủ đa dạng thực phẩm, 36% trẻ em không được cho ăn đủ số bữa cần thiết.

UNICEF cho rằng để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em cần tạo điều kiện cho các gia đình, trẻ nhỏ, thanh niên tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng; tạo dựng môi trường thực phẩm lành mạnh cho trẻ em, thanh thiếu niên; kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất ra thực phẩm phù hợp với trẻ em; huy động các hệ thống hỗ trợ như y tế, nước sạch, vệ sinh, giáo dục, an sinh xã hội - tăng cường kết quả đạt được trong việc cải thiện dinh dưỡng cho tất cả trẻ em...