Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vào top 25 thế giới

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2019 và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất.

Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020 mới được công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cải thiện đáng kể, nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vào top 25 thế giới - Ảnh 1.

Lĩnh vực sản xuất kinh doanh được các ngân hàng ưu tiên giải ngân vốn.

Chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam xếp thứ 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với năm nay, đứng thứ hai trong ASEAN và cũng là vị trí thứ hai trong khu vực châu Á (chỉ sau Brunei).

Đặc biệt, WB đã ghi nhận Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí Chiều sâu thông tin tín dụng (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80/100 điểm, tăng 5 điểm so với năm 2019.

Kết quả này là minh chứng cho sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch cùng chính sách pháp lý thuận lợi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người vay và cho vay.

Với Việt Nam, những lĩnh vực được WB đánh giá có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là vay vốn và nộp thuế. Đây là hai lĩnh vực được ghi nhận tăng điểm mạnh so với năm ngoái, trong đó chỉ số tiếp cận tín dụng là một trong 5 chỉ số (trên 10 chỉ số đánh giá) được nâng hạng trong năm nay. Cụ thể, chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam xếp thứ 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với năm 2019 và đứng thứ hai trong ASEAN và thứ hai trong khu vực châu Á (chỉ sau Brunei-hạng 1/190). Chỉ số tiếp cận tín dụng bao gồm hai chỉ số thành phần là chỉ số quyền lợi pháp lý và chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng. Chỉ số quyền lợi pháp lý được đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 12, điểm càng cao phản ánh mức độ thuận lợi pháp lý để bảo vệ quyền của người vay và người cho vay có bảo đảm. Chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng được đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 8, phản ánh phạm vi và mức độ dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng của cá nhân và DN.

WB đã ghi nhận Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí chiều sâu thông tin tín dụng (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80/100 điểm, tăng 5 điểm so với năm 2019. Cụ thể, WB ghi nhận Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã tích hợp các thông tin từ các nhà bán lẻ vào báo cáo tín dụng của CIC, giúp các TCTD có thêm nguồn thông tin để đánh giá khách hàng vay với lịch sử thanh toán ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Báo cáo cũng đưa ra đánh giá Việt Nam tiếp tục cải thiện độ phủ thông tin tín dụng công đạt 59,4%/dân số trưởng thành (tăng 4,6% so với năm 2019).

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một điểm sáng trong nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2019 của Chính phủ góp phần cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.

Với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trên, ngành ngân hàng cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 30-9-2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Hệ thống ngân hàng đã cung ứng ra nền kinh tế hơn 7.800.000 tỷ đồng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.