Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chính phủ nâng gói ASXH lên 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 20 triệu người khó khăn do Covid-19

(Dân sinh) - Theo tính toán của Chính phủ, gói hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ có trị giá 62 nghìn tỷ đồng (tăng 420 tỷ so với dự kiến ban đầu), hỗ trợ dành cho khoảng 20 triệu người của 6 nhóm đối tượng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chính phủ tính toán, gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng (tăng 420 tỷ so với dự kiến ban đầu), hỗ trợ dành cho khoảng 20 triệu người của 6 nhóm đối tượng.

Kịp thời hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn

Báo cáo nêu rõ, dịch Covid-19 đã, đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.

"Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc", Báo cáo nêu.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, hàng triệu người lao động đã, đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Vì vậy, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, cần kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19.

Người có công, hộ nghèo: Chi trả 1 lần mức hỗ trợ của 3 tháng

Theo đó, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng háng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định 1 triệu đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hàng tháng theo tình hình thực tế.

Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thoả thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên thì được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hàng tháng theo tình hình thực tế.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hàng tháng theo tình hình thực tế.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hàng tháng theo tình hình thực tế.

Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên (kể cả chính sách hỗ trợ đang thực hiện của địa phương nếu có) thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện tối đa 3 tháng.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36 nghìn tỷ đồng

Về nguồn vốn của gói này, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách trung ương khoảng 22 - 23 nghìn tỷ đồng lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19 - 20 nghìn tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên...

Ngân sách địa phương 13 - 14 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư…

Ngoài ra, gói hỗ trợ này còn sử dụng khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỷ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỷ đồng).

Đặc biệt, về tổ chức thực hiện, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, kịp thời; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, không dể lợi dụng, trục lợi chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.

Để thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch Covid-19, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ này.

Theo Chính phủ, "dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm".

Thủ tướng: Không để "lòng vòng" mãi mà người dân không nhận được tiền

Ngày 1/4, ngay sau khi Chính phủ công bố gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trả lời VTV, Bộ trưởng LĐ–TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, để sử dụng gói hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng, hạn chế tối đa khả năng tiêu cực có thể xảy ra, bên cạnh việc nỗ lực, phát huy trách nhiệm tối đa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp trong công tác rà soát đối tượng, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện hỗ trợ.

"Bộ LĐ-TB&XH sẽ giao các cơ quan của Bộ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động", ông Đào Ngọc Dung thông tin.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm.

"Không được để cứ lòng vòng mãi mà người dân không nhận được tiền", Thủ tướng nói và yêu cầu: "Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn!", Thủ tướng đốc thúc.