Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Cơ hội nâng cao giá trị cho nông sản

Nông sản Việt Nam đã chính thức có mặt tại 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với giá trị 42,5 tỷ USD năm 2018. Có thể nói, nông dân Việt đã vượt qua được “chợ làng” để đi chợ thế giới, nông sản Việt từng bước tiếp cận được những thị trường khó tính có yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Tuy nhiên, “thực tế là chúng ta đi chợ thế giới nhưng đi bằng sản phẩm thô, nặng và ngắn”.

CPTPP và EVFTA mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, thời gian qua công nghiệp chế biến nông sản đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Cả nước đã có hơn 7.500 cơ sở chế biến bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, gia đình. Các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 185 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2019 đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.

Cơ hội nâng cao giá trị cho nông sản - Ảnh 1.

Nông sản Việt chinh phục thị trường thế giới.

Với kết quả này, Việt Nam đã từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới: Thuộc top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Trong 2 năm 2018, 2019, Việt Nam đã tham gia 2 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đó là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá là mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua 2 hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người. Với người nông dân, việc Việt Nam tham gia vào 2 Hiệp định này là cơ hội để nông sản của họ xuất khẩu được nhiều nước trên tế giới, nâng cao giá trị cho nông sản.

Tuy nhiên, điều họ lo lắng nhất là thiếu những thông tin về hàng rào kỹ thuật mà những nước này yêu cầu. Anh Nguyễn Văn Linh (Bắc Ninh) đang trồng 40 ha cà rốt, củ cải đường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc với doanh thu đạt 9 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận mỗi năm anh Linh thu về là 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 50 lao động thường xuyên và 100 - 150 lao động thời vụ. Anh Linh cho rằng: "CPTPP, EVFTA được ký kết, chúng tôi rất mừng. Nhưng điều chúng tôi băn khoăn là các thị trường này sẽ đưa ra những rào cản kỹ thuật gì, nhất là vấn đề kiểm dịch dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các loại củ, quả xuất khẩu của chúng tôi".

Ông Ngô Văn Đậu (An Giang) có trang trại tổng hợp nuôi 2.000 tấn cá tra thương phẩm để phục vụ xuất khẩu với lợi nhuận thu về trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 18 lao động, cũng cùng chung nỗi lo lắng này. "Những người nuôi cá tra như chúng tôi rất phấn khởi khi được biết Chính phủ đã ký kết 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA. Nhưng điều tôi đang cần được giải đáp là 2 Hiệp định này có tác động như thế nào đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng như những người nông dân".

Đối với anh Nguyễn Hữu Hà ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đang sở hữu 12,5 ha trồng chanh tứ quý - một giống từ Úc với số lượng 10.000 cây, cho tổng thu nhập đạt 13,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận thu về đạt 5,5 tỷ đồng/năm. Trang trại của anh Hà đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 - 35 lao động với mức lương 8 - 10 triệu đồng/năm."Đối với thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, họ rất khó tính trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Thậm chí có nước còn yêu cầu phải quay clip, ghi lại hình ảnh trong suốt quá trình canh tác sản phẩm để họ theo dõi. Với các quy định khắt khe như vậy, với những người trồng chanh như tôi chưa biết phải làm gì để đáp ứng được các điều kiện đó", anh Hà băn khoăn.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Việt Nam ký được 2 Hiệp định thương mại là đã mở được cổng để nông sản Việt có cơ hội được xuất khẩu chính ngạch bán tại các thị trường này. "Nhưng để nông sản đi vào các thị trường này còn muôn vàn bước khác. Tôi phải khẳng định, muốn vượt lên được tất cả cần sự vào cuộc từ doanh nghiệp cho tới các bộ, ban, ngành và đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất từ chính người nông dân. Có như thế mới có thể tận dụng được cơ hội từ CPTPP hay EVFTA. Những yêu cầu về quay clip hay việc sử dụng Blockchain để truy xuất nguồn gốc cũng là yêu cầu của mỗi quốc gia. Nếu nông sản Việt đáp ứng được những yêu cầu đó thì sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu và bán được với giá cao", ông Thái nhấn mạnh.

Cơ hội nâng cao giá trị cho nông sản - Ảnh 3.

Nhiều thị trường yêu cầu kỹ thuật cao đã nhập khẩu nông sản Việt.

Làm thế nào để tôm, cá, củ, quả... Việt bán chạy ở chợ thế giới?

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường giá trị cao và quy mô lớn như Nhật Bản, Canada những sản phẩm Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản… cần được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật (TBT) và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), truy xuất nguồn gốc xuất xứ để chiếm lĩnh được các thị trường này. Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này cắt giảm xuống mức 0% thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng khó có thể tiếp cận được.

Để hóa giải những thách thức này, cần nâng cao hiểu biết, nhận thức của các tác nhân trong ngành nông nghiệp về yêu cầu mới, tiêu chuẩn mới khi tiếp cận thị trường, tập trung vào nhà quản lý cấp tỉnh, huyện, xã, doanh nghiệp, hợp tác xã, và người sản xuất trung bình và nhỏ. Cần phải đi từng thị trường cụ thể để đáp ứng yêu cầu của từng nước thành viên, từ đó xây dựng các chiến lược sản phẩm và hình thành các bộ quy tắc để tiếp cận thị trường tốt hơn. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào chế biến.

Theo TS Trần Công Thắng, đối với những sản phẩm có lợi thế xuất khẩu, thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại, xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư CPTPP, EU với Việt Nam, giữa nhà đầu tư Việt Nam với các nước CPTPP và EU để tìm kiếm cơ hội hợp tác, tận dụng các cơ hội của các hiệp định này mang lại, hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu và thương hiệu quốc gia của nông sản Việt. Thứ ba, rà soát kỹ các ngành hàng dễ bị tổn thương như chăn nuôi; đánh giá về mức độ ưu tiên, có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp người sản xuất có thể đối phó, hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại khi phải cạnh tranh với các nông sản từ các nước CPTPP, EU.

Giải pháp chính là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, từng bước xây dựng các chuỗi giá trị hàng Việt Nam khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nhập khẩu.

Đồng thời, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, gắn chặt với các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng theo các cam kết quốc tế. "Để tham gia vào thị trường (chợ) thế giới, nông dân Việt Nam cần phải thay đổi theo hướng "chủ động", "chuyên nghiệp", "cùng liên kết". Đặc biệt phải xây dựng liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ là cầu nối giữa người nông dân với người tiêu dùng nước ngoài, đưa sản phẩm Việt Nam vào chuỗi toàn cầu. Nông dân sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo VSATTP và các điều kiện của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, liên kết với các nhà nhập khẩu đưa sản phẩm Việt Nam vào chuỗi toàn cầu", TS Trần Công Thắng nhấn mạnh.

Bà Phùng Hương, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Green Park, đơn vị xuất khẩu nhiều loại nông sản Việt đến nhiều nước "khó tính" trên thế giới chia sẻ, cách đây 2 năm, không ai nghĩ tới chuyện xuất khẩu xoài sang My, vì bán được ở thị trường Việt Nam đã khó, nhưng Green Park đã làm được điều đó.

Công ty đã xuất khẩu xoài Sơn La sang Mỹ, rồi xuất khẩu nhãn Việt Nam sang Úc. "Mọi người nhắc tới phần liên kết rất nhiều, nhưng bản thân doanh nghiệp phải rất dũng cảm, dám dấn thân. Chúng ta phải đặt câu hỏi: Nông dân có làm được khoa học hay không? Câu trả lời là không, mà phải đặt người nông dân đúng vị trí của họ, hướng dẫn họ làm đúng kỹ thuật. Đối với sản phẩm xoài xuất khẩu sang Mỹ, do mùa xoài sẽ kết thúc trong vòng 1 tháng, nên doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được đúng một lô sản phẩm sang Mỹ. Chúng tôi đứng trước bối cảnh phải từ chối cơ hội xuất khẩu tiếp để giữ uy tín cho sản phẩm, doanh nghiệp. Ở Sơn La, camera lắp ở vùng trồng xoài, nhãn. Vì thế, dù sang Mỹ hay Canada, chỉ cần một click chuột là có thể quảng bá sản phẩm của mình ngay lập tức. Nhờ được xuất khẩu nên giá trị của xoài Sơn La bán tại vườn có giá 24.000 đồng/kg", bà Hương cho hay.Được biết, Green Park đang đồng hành với nông dân ở Đồng Phú (Hà Nội) với sản phẩm lúa, thu mua cho bà con 100 tấn lúa hữu cơ. Green Park tự tin chinh phục thị trường Singapore, Mỹ, Úc với sản phẩm gạo hữu cơ.


Tin liên quan