Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Công nhận 27 bảo vật quốc gia

Trống đồng Quảng Chính, sư tử đá chùa Bà Tấm, tượng mẫu Âu Cơ... là những bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận.

Zing.vn đưa tin, Thủ tướng vừa có quyết định công nhận 27 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 8, đợt xét duyệt năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Theo Vnexpress, trong 27 bảo vật được công nhận năm 2019, có sưu tập nha chương (vật dùng trong nghi lễ), niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 năm, thuộc văn hoá Phùng Nguyên.

Nha chương ngoài ý nghĩa là biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh, còn là báu vật của một bộ lạc tồn tại ở giai đoạn đầu của nền văn hóa Phùng Nguyên.

Công nhận 27 bảo vật quốc gia - Ảnh 1.

Bộ sưu tập nha chương. Ảnh: Bảo tàng Phú Thọ

Nha chương được người Phùng Nguyên chế tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo, khoan, cưa tạo các rãnh nhỏ đối xứng nhau, tạo các lỗ thủng xuyên tâm. Kỹ thuật mài nhẵn, bóng, mài vát hình chữ V, hình đuôi cá đạt trình độ thẩm mỹ cao. Việc chọn chất liệu đá ngọc và sử dụng kỹ thuật chế tác đá tương thích để làm nên chiếc nha chương chứng tỏ sự phát triển của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá.

Nha chương mới chỉ được phát hiện 8 chiếc tại hai di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên và Xóm Rền của tỉnh Phú Thọ.

Bảo vật trống đồng Quảng Chính, thuộc văn hoá Đông Sơn (thế kỷ thứ 3-2 trước Công nguyên), đang lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, là trống đồng loại nhỏ, dáng thấp, tang nở, lưng hình nón cụt, chân choãi. Mặt trống trang trí hình ngôi sao nổi 16 cánh.

Trống đồng Trà Lộc, thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, cũng nằm trong số các bảo vật. Trống có thân thon, đế choãi, tang phình, chính giữa trang trí ngôi sao 10 cánh và 7 vành hoa văn gồm các họa tiết 4 con chim hạc bay ngược chiều kim đồng hồ, vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, chấm dãi, răng cưa. Tang trống trang trí hoa văn 4 hình thuyền có người đang chèo và các họa tiết răng cưa và chấm dãi. Thân trống trang trí hình 8 con bò có kích thước to nhỏ khác nhau và các họa tiết hoa văn chấm dãi và răng cưa.

Công nhận 27 bảo vật quốc gia - Ảnh 3.

Trống đồng Trà Lộc. Ảnh: Bảo tàng Quảng Trị

Những bảo vật còn lại gồm: Linga - Yoni gỗ Nhơn Thành (văn hóa Óc Eo, thế kỷ V), hiện lưu giữ tại Bảo tàng TP Cần Thơ, bia Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh (thời Lý - Trần, ở Hưng Yên); bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ (năm 1431, Cao Bằng); Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi - Bia Lăng Vua Lê Túc Tông (thế kỷ XVI, Thanh Hóa); bia Sùng chỉ bi ký (năm 1696, Hà Tĩnh); bia Ngự kiến Thiên Mụ tự (năm 1715, Huế); 12 Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh (năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái - 1889)...

Theo luật Di sản văn hoá, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

Mỗi năm, Thủ tướng xét công nhận bảo vật quốc gia một lần.