Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trước khi bị lên án về đạo đức kinh doanh, Công ty nước sạch Sông Đà lãi lớn

Kinh doanh lĩnh vực thiết yếu, Viwasupco có một biên lợi nhuận ổn định mức cao và không phụ thuộc nhiều vào chu kỳ kinh tế.

Công ty nước sạch Sông Đà lãi lớn - Ảnh 1.

Nước sạch Sông Đà thu lãi khủng mỗi năm từ việc bán nước.

Theo tìm hiểu của Vnexpress.net, thì Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco, mã CK: VCW) - doanh nghiệp đang gặp sự cố về chất lượng nước cung cấp, là một trong những cái tên đứng đầu thị trường cung cấp nước sạch Hà Nội. Dù hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, song tỷ suất sinh lời từ hoạt động kinh doanh của Viwasupco thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.

Nửa đầu năm 2019, Viwasupco đạt doanh thu gần 264 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế hơn 133 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế trên doanh thu lần lượt là 57% và 50%.

Đà tăng trưởng của Viwasupco bắt đầu từ năm 2012. Với nhu cầu dùng nước liên tục tăng, đi cùng với quá trình đô thị hóa và quy mô dân số mở rộng, chỉ sau 6 năm, doanh thu của công ty này tăng 65% với lợi nhuận gấp gần 4 lần.

Năm 2018, doanh thu cấp nước của Viwasupco đạt 469 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm trước, với biên lợi nhuận gộp từ hoạt động cấp nước hơn 57%. Lợi nhuận trước thuế duy trì đà tăng gấp đôi doanh thu và đạt hơn 230 tỷ đồng.

Công ty nước sạch Sông Đà lãi lớn - Ảnh 2.

Với tổng tài sản hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 1.000 tỷ đồng, ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản) của Viwasupco trong năm gần nhất đạt lần lượt 18% và 24% - con số thuộc nhóm đầu thị trường chứng khoán.

Kết quả này không chỉ là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp niêm yết mà cũng tạo khoảng cách lớn so với một số công ty cấp nước khác đang có cổ phiếu giao dịch trên HNX và UPCoM.

Theo báo cáo thường niên, Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long.

Công ty bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông.

Riêng năm 2018, bình quân mỗi ngày đêm, công ty cung cấp gần 250.000 m3 nước cho thị trường. Tổng quy mô cung cấp nước cả năm đạt hơn 91 triệu m3, tương đương 101% kế hoạch. Theo đánh giá của ban lãnh đạo, nhu cầu nước liên tục tăng cao khiến các chỉ tiêu cung cấp nước đều vượt kế hoạch được rao, riêng trong quý IV/2018, sản lượng tiêu thụ đã tăng gần 22%.

Liên quan đến việc kinh doanh của Công ty nước sạch Sông Đà, báo Đời sống và pháp luật cho hay, theo Báo cáo tài chính từ năm 2013 đến nay (hết quý II/2019), nước sạch Sông Đà liên tục kinh doanh có lãi. Trong vòng hơn 6 năm qua, VCW thu về lợi nhuận sau thuế gần 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2013 lãi hơn 64 tỷ đồng; năm 2014 đạt con số 89 tỷ đồng. Đến năm 2015, lợi nhuận của VCW nhảy vọt lên 147,3 tỷ đồng. Các năm 2016, 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 161,2 tỷ đồng; 169,9 tỷ đồng; 218,6 tỷ đồng và 126,5 tỷ đồng.

Năm 2019, nước sạch Sông Đà đề ra kế hoạch đạt 476,2 tỷ đồng doanh thu và 75,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 55,3% kế hoạch doanh thu và 167% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 20%, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn 158,5 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đạt 1.175 tỷ đồng, bao gồm tài sản cố định 548 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 620,5 tỷ đồng và tài sản dài hạn khác 6,5 tỷ đồng.

Trong đó, theo thuyết minh báo cáo tài chính, cuối tháng 6/2019, tài sản cố định là nhà cửa, vật liệu kiến trúc, máy móc thiết bị với giá trị còn lại khoảng 526 tỷ đồng đã được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Hồ.

Đây là khoản vay cho dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Đông.