Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Di cư bất hợp pháp dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người

(Dân sinh) - Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), trên thế giới ước tính có 40,3 triệu người là nạn nhân của mua bán người. Còn theo số liệu của UNICEF, có 5,5 triệu trẻ em bị mua bán. Tổ chức Y tế Thế giới công bố mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm mua bán người.

Tại Việt Nam, theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện xảy ra gần 1.100 vụ, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân; 9 tháng đầu năm phát hiện 148 vụ với 238 nạn nhân.

Tội phạm mua bán người tiếp tục sử dụng các phương thức như không tiếp cận nạn nhân trực tiếp mà thông qua các trang mạng xã hội; không trực tiếp đi cùng mà hướng dẫn nạn nhân di chuyển đến khu vực biên giới, xuất cảnh trái phép, sau đó lừa bán vào động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp; tìm đến phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn rồi dụ dỗ đưa ra nước ngoài, nhất là Trung Quốc, sinh con sau đó bán trẻ sơ sinh cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nguy cơ mua bán người thông qua di cư trái phép, di cư lao động hoặc di cư kết hôn.

Di cư bất hợp pháp dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người - Ảnh 1.

Di cư bất hợp pháp rết dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người (ảnh vụ 39 người di cư bất hợp pháp chết tại Anh)

Theo công bố ngày 17/9/2019 của Vụ các vấn đề Kinh tế - xã hội, Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có hơn 272 triệu người di cư, chiếm 3,5 % dân số thế giới với 74% người trong độ tuổi lao động, trong khi đó vào năm 2000 số lượng người di cư mới chỉ chiếm 2,8% dân số thế giới.

Sự gia tăng nhanh chóng các dòng di cư xuyên quốc gia càng cho thấy tầm quan trọng của sự ra đời Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự - thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư trong việc thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn cầu nhằm quản lý di cư một cách hiệu quả.

Nhằm thực hiện mục tiêu chung "giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán", tại nước ta, các địa phương đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ nêu tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2018, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. 

Hiện tỉnh Nghệ An còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng mua bán bào thai qua biên giới gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Riêng địa bàn huyện Kỳ Sơn, thống kê cho thấy có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc sinh con, trong số đó đã xác minh làm rõ 6 trường hợp sau khi sinh con đã bán con lại bên Trung Quốc rồi trở về.

Tại tỉnh Tây Ninh, tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn phức tạp do các đối tượng tội phạm với các thủ đoạn tinh vi đã lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác, hoàn cảnh khó khăn của người dân để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài, chủ yếu sang Campuchia. Theo thống kê của tỉnh, trong giai đoạn từ 2016-2018 có 91 nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài; nạn nhân được phát hiện và giải cứu có cả người nước ngoài.

Còn tại Lạng Sơn, tình hình tội phạm mua bán người qua biên giới diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Từ tháng 1/2019 đến 15/10/2019 tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 20 nạn nhân bị mua bán, trong đó có 3 nạn nhân là người Indonesia, 7 nạn nhân người Campuchia; 10 nạn nhân người Việt Nam.

Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt như lấy số điện thoại của các thiếu nữ mới lớn rồi tìm cách dụ dỗ, lừa gạt hay lợi dụng hạn chế về nhận thức và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình nạn nhân để lừa gạt bằng cách hứa sẽ kiếm việc làm có thu nhập cao, ổn định hay lấy chồng giàu có ở Trung Quốc… Đáng chú ý, gần đây phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Theo đại diện TP. Hồ Chí Minh, các địa điểm tập trung đông người di cư đến như bến xe hay nhà ga… đều có thể sẽ bị tội phạm mua bán người lợi dụng để tìm kiếm và lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.

Trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng tăng, để hạn chế nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống tội phạm mua bán người.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và đổi mới, sức mạnh tập thể sẽ được phát huy tối đa nhằm đấu tranh, ngặn chặn nạn mua bán người - một trong bốn loại hình tội phạm nguy hiểm nhất thế giới theo nhận định của Liên Hợp Quốc. Tuyên truyền cũng là một nội dung quan trọng của mục tiêu số 10 "Ngăn chặn, đấu tranh và xóa bỏ nạn mua bán người trong di cư quốc tế" trong Thỏa thuận GCM.

Theo đó, các quốc gia cần đầu tư cho các chiến dịch tuyên truyền với sự tham gia của các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người di cư và những người di cư tiềm năng về các rủi ro khi di cư ra nước ngoài và hiểm họa của nạn mua bán người. Điều này là vô cùng cần thiết để người dân có lựa chọn và quyết định đúng đắn khi di cư ra nước ngoài thông qua các kênh di cư hợp pháp, tránh bị dụ dỗ đưa ra nước ngoài trái phép và không gặp phải rủi ro trong quá trình di cư như bị ép buộc lao động, bị bóc lột, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như một số vụ việc di cư trái phép diễn ra thời gian gần đây.

Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư vào tháng 9/2016 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Một trong những mục tiêu quan trọng của Thỏa thuận GCM là đấu tranh và xóa bỏ nạn mua bán người trong di cư quốc tế.

Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018 và đang tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận phù hợp với luật pháp và điều kiện của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang trong quá trình lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan, và địa phương đối với dự thảo Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM.