Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc đua vào Nhà Trắng

COVID-19 đã khiến cục diện chính trị Mỹ đảo lộn: Tổng thống Donald Trump từ lợi thế tăng trưởng kinh tế phải đối mặt với khủng hoảng, trong khi các đối thủ của ông đang nhìn thấy cơ hội vô giá để phá thế bế tắc.

Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, theo tờ The New York Times, làm thế nào để đối phó hiệu quả nhất với dịch COVID-19 là chủ đề nóng nhất trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu đảng Dân chủ hôm 16-3 (giờ Việt Nam). Cụ thể, cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ giữa cựu phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders bao trùm hàng loạt chủ đề đối nội, đối ngoại nhưng tranh luận về giải pháp ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch vẫn là vấn đề thường xuyên được nhắc đến.

Để  giải quyết tình trạng bế tắc hiện tại, cựu phó tổng thống Joe Biden khẳng định cần huy động quân đội và tăng thêm gói cứu trợ, đồng thời xây dựng lại vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong cuộc chiến chống dịch. “Thế giới và nước Mỹ cần hiểu rằng chúng ta cần phải có một gói cứu trợ lớn. Đây là thời điểm các nước cần sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau” - ông Biden nhấn mạnh.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Bernie Sanders ưu tiên phát huy vai trò của hệ thống y tế, khuyến nghị thực hiện chương trình bảo hiểm sức khỏe toàn dân nhằm cung cấp gói điều trị miễn phí cho người dân, đồng thời ưu tiên hợp tác với các nước để đối phó với dịch bệnh. Theo ứng viên này, điều Washington cần nhất bây giờ là gạt bỏ hiềm khích trong quá khứ và hợp tác với Trung Quốc vì nước này có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa COVID-19.

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 1.

Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Bernie Sanders (trái) và Joe Biden trong buổi tranh luận trực tiếp ngày 25-2 tại bang Nam Carolina. Ảnh: CNN

Trong khi đó, ông Donald Trump lại phải có được kết quả cụ thể mà cử tri Mỹ có thể định tính và định lượng hóa được ở chỗ: Các biện pháp chính sách của ông Donald Trump và cộng sự có đẩy lùi được sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh hay không, có chấm dứt được dịch bệnh hay không và lại còn đạt được cả hai kết quả này nhanh chóng hay chậm trễ trong thời gian tới.

“Trong xử lý khủng hoảng quốc gia, nhà lãnh đạo có nhiều lợi thế đặc biệt nhưng nếu không xử lý được khủng hoảng thì tai hại không còn gì bằng. Thất bại ngay lúc này chẳng khác gì giúp cho đối thủ chính trị của ông Trump ghi một bàn thắng không thể gỡ” - The New York Times nhấn mạnh.


Liên quan đến cuộc đua vào Nhà Trắng, báo Nhân dân phản ánh, theo Roi-tơ và TTXVN, tối 15-3 (tức sáng 16-3 theo giờ Việt Nam), tại trường quay của hãng tin CNN ở thủ đô Oa-sinh-tơn, hai ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ (Mỹ) là cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn và Thượng nghị sĩ bang Vơ-môn B.Xan-đơ tiến hành vòng tranh luận thứ 11 kéo dài hai giờ trong cuộc bầu cử sơ bộ nhằm chọn ra ứng cử viên duy nhất của đảng này tham dự cuộc đua vào Nhà trắng sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Ðây cũng là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của hai ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay của đảng Dân chủ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra đang hết sức phức tạp tại Mỹ, hai ứng cử viên đảng Dân chủ đã đưa ra quan điểm, tầm nhìn cũng như cách thức lãnh đạo đất nước đối phó dịch bệnh và vượt qua giai đoạn khó khăn. Tại cuộc tranh luận trực tiếp này, cựu Phó tổng thống G.Bai-đơn chỉ trích cách giải quyết của Tổng thống Ð.Trăm đối với cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ đang "làm suy yếu các bác sĩ và các nhà khoa học, những người nỗ lực giúp đỡ người dân Mỹ". Trong khi đó, Thượng nghị sĩ B.Xan-đơ cáo buộc ông Ð.Trăm "lan truyền thông tin không chính xác" về dịch Covid-19, gây hoang mang dư luận tại Mỹ. Ông B.Xan-đơ cho rằng dịch Covid-19 bộc lộ những điểm yếu của hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ hiện nay.

Tại cuộc tranh luận, hai ứng cử viên đã tranh cãi gay gắt vấn đề an sinh xã hội. Ứng cử viên B.Xan-đơ, người từng đưa ra những khuyến nghị, trong đó gồm cả việc chính phủ cung cấp điều trị miễn phí và mở rộng các sáng kiến cho người nghèo, khẳng định ông sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tranh cử trọng tâm của mình - "chương trình bảo hiểm sức khỏe cho tất cả người dân". Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn cam kết sẽ chuẩn bị tốt hơn, phản ứng tốt hơn và giúp đất nước phục hồi tốt hơn nếu ông được bầu làm tổng thống. Ông G.Bai-đơn đưa ra kế hoạch như sẽ làm việc với các nhà khoa học, lắng nghe các chuyên gia và lưu ý các lời khuyên, tạo dựng lại sự lãnh đạo của Mỹ và tập hợp thế giới để đối phó các mối đe dọa toàn cầu. Tuy nhiên, hai ứng cử viên của đảng Dân chủ có điểm chung khi cùng muốn chọn phụ nữ làm liên danh tranh cử tổng thống Mỹ.

Sau cuộc tranh luận này, các ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ bước vào cuộc bầu cử ngày 17-3 tới (giờ Mỹ), còn được coi là ngày bầu cử "Siêu thứ Ba" lần thứ ba trong tiến trình bầu cử. Theo đó, bốn bang của Mỹ, gồm A-ri-dô-na, Phlo-ri-đa, I-li-noi và Ô-hai-ô sẽ tiến hành bầu cử theo hình thức bỏ phiếu. Theo kết quả một số cuộc thăm dò gần đây, cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn đang dẫn trước đối thủ B.Xan-đơ ở hầu hết các bang trên, chỉ trừ bang I-li-noi.