Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chung tay đẩy lùi tội phạm mua bán người

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Cơ quan chức năng khẳng định cần tăng cường quản lý, chủ động giúp đỡ, tạo công ăn việc làm để người dân không bị lợi dụng, dụ dỗ tham gia hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân bị mua bán.

Thủ đoạn khó lường

Theo bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, mua bán người vẫn là một trong những hoạt động tội phạm mang lại nhiều lợi nhuận nhất, nhắm vào tính dễ tổn thương của con người. Vì thế, cần tiếp tục chung tay cùng nhau trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến này.

Báo cáo Toàn cầu về Mua bán người gần đây nhất của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã khẳng định một hiện thực đáng buồn rằng: cứ 3 nạn nhân mua bán người trên thế giới, lại có 1 nạn nhân là trẻ em.

Trẻ em là đối tượng của nhiều hình thức mua bán khác nhau, bao gồm bóc lột lao động, ép buộc phạm tội hoặc ăn xin, mua bán để làm con nuôi bất hợp pháp, bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục trực tuyến.

“Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân”, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết.

Tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân hoặc lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt.

Những hành vi này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình, gây nên những bất ổn trong xã hội.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ cũng chỉ rõ, từ đầu năm 2024 đến nay, theo tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa (6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023). 

Việt điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài, nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 246 nạn nhân; trong đó tỉnh Lào Cai phát hiện, điều tra 1 vụ, 3 đối tượng lừa 6 nạn nhân sang Lào. 

Việc xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của họ (6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 11 nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân). 

Những năm gần đây, hoạt động đưa người Việt Nam nhập cảnh, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến việc nạn nhân bị mua bán, lạm dụng, bóc lột sức lao động.

Cùng với đó, hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển nước ta diễn ra rất khó lường, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Theo đó, các đối tượng tội phạm trong nước cấu kết chặt chẽ với người Việt Nam tại nước ngoài và công dân các nước khác sử dụng mạng xã hội để tuyển lao động với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”.

Sau đó, chúng tổ chức đưa nạn nhân xuất cảnh ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và bất hợp pháp) nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, ép hoạt động lừa đảo trên mạng Internet…

Trong khi đó, ở trong nước, nhất là địa bàn các tỉnh phía Nam, tình trạng thiếu hụt lao động trên các tàu cá diễn ra phổ biến. Chính vì vậy, tội phạm mua bán người đã móc nối chặt chẽ với nhau, lợi dụng dịch vụ môi giới lao động (cò ngư phủ), nhằm mục đích lừa gạt, đưa nhiều người lên các tàu cá để bóc lột sức lao động.

Các loại tội phạm “nguồn” của tội phạm mua bán người như tổ chức đưa dẫn người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán bộ phận cơ thể người cũng diễn biến phức tạp.

Chung tay đẩy lùi tội phạm mua bán người - 1
Công an Trung Quốc bàn giao trẻ sơ sinh bị buôn bán cho Công an Quảng Ninh (Ảnh: Hoàng Long).

Triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh

Nhận thức rõ sự nguy hiểm của loại tội phạm này, Việt Nam xác định cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế vào "cuộc chiến" phòng, chống tội phạm mua bán người.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, toàn diện về phòng, chống tội phạm mua bán người. Chính phủ đã xây dựng và triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng còn diễn biến phức tạp; cách thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Trẻ em, người chưa thành niên tiếp tục là mục tiêu mà tội phạm nhắm tới.

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên và kiên trì thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn.

Phòng, chống mua bán người cần được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; giải quyết tốt những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân; phát huy hiệu quả vai trò các tổ chức quần chúng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn; nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến tốt với các hình thức phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng; chú trọng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng giúp trẻ em, phụ nữ, người yếu thế nhận diện và tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân, không để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo.

Tin liên quan