Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 tiếp tục triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả của giai đoạn 2016-2020 theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.
Tăng sự tiếp cận với các dịch vụ, chính sách hỗ trợ
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm, thực tế cho thấy, nhiều người bán dâm chưa chủ động nắm bắt thông tin về các chương trình đào tạo nghề cũng như tạo việc làm hoặc biết thông tin nhưng mặc cảm không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng hoặc do ngại làm các thủ tục hành chính.
Chính vì vậy, hầu hết người bán dâm không đến tham dự Hội chợ việc làm hàng tháng ở các địa phương để tìm hiểu về các cơ hội việc làm của mình.
Việc lựa chọn nghề đào tạo và việc làm sau đào tạo nghề đối với người bán dâm cũng là một khó khăn, thách thức, nhất là với những người lớn tuổi vì không đáp ứng được yêu cầu về sức khoẻ, kỹ năng trong công việc.
Trong khi đó, với người trẻ tuổi lại khó thu hút được sự tham gia của họ bởi yêu cầu về thời gian tham gia học nghề, thu nhập từ việc làm mới cũng chưa chắc sẽ đảm bảo cao hơn so với công việc hiện tại của họ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền sâu rộng, thông tin về các chương trình đào tạo nghề cũng như giới thiệu việc làm đến với người bán dâm.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ vay vốn, theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đa số người bán dâm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay chủ yếu do thủ tục hồ sơ và điều kiện xét duyệt phức tạp và mức vay chưa thực sự phù hợp, không đủ để họ có thể đầu tư tạo vệc làm có thu nhập ổn định, lâu dài và có khả năng giúp họ từ bỏ được hành nghề mại dâm…
VÌ vậy, trong giai đoạn tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại về các thủ tục giải ngân, vay vốn ưu đãi để chính sách này có thể áp dụng được tốt hơn trong thực tiễn. Điều này có nghĩa là các thủ tục hành chính, điều kiện cho vay cần linh hoạt hơn, để người bán dâm có thể đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ.
Về chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, do có sự triển khai đồng bộ giữa các ngành đặc biệt là ngành Y tế và ngành Lao động, Công an nên số người bán dâm có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe khá cao.
Nguồn kinh phí cho các hoạt động liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe đều là nguồn liên quan đến hoạt động phòng chống lây nhiễm cho các nhóm nguy cơ của chương trình phòng chống HIV/AIDS, chưa có nguồn kinh phí riêng biệt cho người bán dâm.
Tuy nhiên, phần lớn những người tiếp cận được đến với các dịch vụ y tế dự phòng và kiểm tra sức khỏe định kỳ là người bán dâm tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng; bán dâm có hồ sơ quản lý và người bán dâm hoạt động trên đường phố được các cộng tác viên chương trình tiếp cận và giới thiệu dịch vụ.
Do đó, để chính sách hoạt động hiệu quả hơn, cần thu hút được hơn nữa sự tham gia của các cơ quan liên quan (thu hút ngân sách hỗ trợ) và các nhóm đối tượng người bán dâm khác nhau để tăng cường khả năng phòng ngừa nguy cơ bệnh tật, giảm thiểu các rủi ro sức khỏe cho xã hội và bản thân họ.
Xây dựng "cơ chế tái hòa nhập trọn gói"
Để làm tốt công tác phòng chống mại dâm nói chung và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm nói riêng cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội tiếp tục tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH, trình Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống mại dâm với một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, trong đó, chú trọng việc xây dựng các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Thí điểm các chính sách trên dựa trên phương pháp tiếp cận toàn diện về thời điểm hỗ trợ (người bán dâm đang tham gia hoạt động mại dâm có nhu cầu; người bán dâm có ý định từ bỏ hoặc giảm bớt tần suất bán dâm) và về gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, toàn diện trong hỗ trợ người bán dâm có tính đến nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế.
Mặt khác, xây dựng "cơ chế tái hòa nhập trọn gói", bao gồm những loại dịch vụ như: hỗ trợ y tế, tham vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý.
Đồng thời xây dựng, ban hành các quy định, chính sách về hỗ trợ đối với người bán dâm theo nguyên tắc: bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội; không phân biệt đối xử và đáp ứng cơ bản các nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng hỗ trợ, đặc biệt là đối với trẻ em bị ép buộc bán dâm…