Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nền kinh tế bắt đầu “ngấm” vốn

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sau 2 tháng tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng âm, tính đến ngày 10/4, tín dụng toàn ngành đã tăng trên 1% so với cuối năm 2023.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, dấu hiệu khởi sắc cho thấy nền kinh tế bắt đầu “ngấm” vốn. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 - 15% trong năm nay.

Là doanh nghiệp thuộc một trong 5 nhóm ngành ưu tiên cho vay lãi suất ưu đãi, mức lãi vay của Công ty cổ phần Dược và Vật tư thú y Hanvet được giảm sâu, chỉ bằng một nửa so với cao điểm năm ngoái. Giảm lãi vay giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.

Nền kinh tế bắt đầu “ngấm” vốn - 1
Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.

“Việc được ưu đãi vay gói lãi suất thấp giúp doanh nghiệp có điều kiện để đầu tư, đồng thời lấy một phần để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Lãi suất hiện nay là 4,5%/năm. Đây là mức lãi suất mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp so với trước đây”, ông Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cho hay.

Còn với Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu nghị, thời điểm tết, đơn hàng nhiều nên cần thêm vốn cho sản xuất. Doanh nghiệp liên tục được ngân hàng chào mời vay ưu đãi, gói sau thấp hơn gói trước. Hiện, lãi suất khoảng 4%/năm cho các khoản ngắn hạn. “So với cùng kỳ của năm ngoái, lãi suất đã giảm khoảng một nửa. Khi lãi suất giảm, chi phí giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Tại TPHCM, tính đến cuối tháng 3, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,96% so với cuối năm 2023. Còn tại địa bàn Hà Nội, ước đến cuối tháng 3, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 5,337 triệu tỷ đồng, tăng 0,03% so với thời điểm kết thúc năm 2023; dư nợ tín dụng tăng 0,8% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Theo điều tra, khảo sát đánh giá về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô của Cục Thống kê Hà Nội, sự khả quan của nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi.

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng đầu năm cho thấy, 16,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý IV/2023; 48,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Nhờ các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định nên thành phố giải quyết việc làm cho hơn 45.600 lao động, đạt 27,6% kế hoạch năm.

Tương tự theo Cục Thống kê TPHCM, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố phục hồi tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng dương 4,3% trong 2 tháng đầu năm, sau 2 năm liên tục giảm.

Báo cáo kinh tế - xã hội quý I của Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ghi nhận kết quả ấn tượng khi ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số tăng trưởng ghi nhận mức cao hơn đáng kể tốc độ tăng cùng kỳ trong suốt các năm 2020 - 2023.

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng tới 6,28%, đóng góp 41,68%. Sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I ước tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính chung tất cả khoản vay mới ngắn, trung và dài hạn trong toàn hệ thống đến hết tháng 3 là 6,5%/năm, giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân mới là 3%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023.

“Từ cuối năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận, để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay mới và cũ. Nền kinh tế có xu hướng ổn định và một số tín hiệu tích cực. Do đó ít nhất trong nửa đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Các chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất thấp hiện nay kỳ vọng tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Châu Anh

  Báo Lao động Xã hội số 50