Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 22.000 người khuyết tật (chiếm 1,7% dân số của tỉnh), trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng là hơn 19.000 người.
Năm 2024, Sở LĐ-B&XH đã tổ chức tập huấn chuyên đề hướng dẫn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật; nâng cao năng lực chăm sóc, trợ giúp phụ nữ khuyết tật cho cán bộ hội phụ nữ thôn, khu tại các địa phương: thị xã Quảng Yên, Đông Triều, thành phố: Uông Bí, Cẩm Phả, Hạ Long.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh tổ chức 5 lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật. Nội dung lớp tập huấn cung cấp những kiến thức chung về khuyết tật; kỹ năng khắc phục khiếm khuyết bản thân, thích ứng hoàn cảnh để tự thực hiện các hoạt động phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tự chăm sóc bản thân; hướng dẫn một số phương pháp phục hồi chức năng cho người khuyết tật hệ vận động. Thành phần tham gia là 625 người khuyết tật, ưu tiên người khuyết tật vận động, đại diện gia đình có người khuyết tật vận động.
Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên đề nâng cao năng lực chăm sóc, trợ giúp phụ nữ khuyết tật cho 336 cán bộ hội phụ nữ thôn, khu. Lớp tập huấn giới thiệu hệ thống văn bản pháp luật, những khó khăn, thuận lợi và nhu cầu của người khuyết tật; vai trò của cán bộ thôn khu và một số nguyên tắc, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, trợ giúp người khuyết tật tại cộng đồng.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các cơ chế, chính sách riêng của tỉnh về chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, giáo dục, giải quyết chế độ, chính sách trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật.
Theo đó, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn Quảng Ninh. Mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh được nâng lên 450.000 đồng/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng, giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/12/2022 và tăng lên 500.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2023 trở đi, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/NĐ-CP của Chính phủ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã bổ sung đối tượng người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động vào đối tượng hưởng trợ giúp xã hội.
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho Quảng Ninh, trong đó cuộc sống của nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn bị ảnh hưởng lớn. Ngay tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khó khăn khác trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ 1/10/2024, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 500.000 đồng lên 700.000 đồng/người/tháng. Đây là sự quan tâm sâu sắc của tỉnh dành cho các đối tượng yếu thế, giúp họ vơi bớt đi khó khăn và ổn định cuộc sống.
Tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học nghề, việc làm. Các địa phương đã tăng cường thực hiện công tác rà soát, xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và thực hiện các quy định về xét duyệt đối tượng hưởng trợ cấp, đảm bảo 100% đối tượng người khuyết tật đủ điều kiện được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
Cùng với trợ cấp xã hội hằng tháng, người khuyết tật còn được hỗ trợ về BHYT, chi phí khám, chữa bệnh, học phí, mai táng và được nhận nhiều hỗ trợ khác. Riêng năm 2023, với việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh, nhiều người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, có cuộc sống ổn định trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố.
Để động viên, khích lệ người khuyết tật tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị thực hiện miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng như phương tiện giao thông, văn hóa, thể thao và du lịch cho người khuyết tật.
Với sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng, đời sống vật chất và tinh thần người khuyết tật Quảng Ninh ngày càng được cải thiện. Qua đó, giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm khiếm khuyết bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.