Để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi, khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi với các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao;
Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn, đàn lợn trong diện tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tiêm phòng tại địa phương.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương, UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là tại những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch.
Xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra bùng phát dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn quản lý.
Trước đó, tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 1/1 đến 11/11, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 233 hộ, 120 thôn, 43 xã của 10 huyện (Krông Năng; Lắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar, Cư Kuin, Buôn Đôn, Krông Buk, Krông Ana), thị xã Buôn Hồ và TP Buôn Ma Thuột làm chết và tiêu hủy 2.728 vật nuôi với tổng khối lượng 139.103 kg.