Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Suy thận gia tăng và ngày càng trẻ hóa

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị, mỗi người nên   ăn không quá 5g muối/ngày. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, người Việt đang ăn quá nhiều muối so với khuyến nghị, với khoảng 9,4g muối/người/ngày.

Chế độ ăn mặn làm tăng nguy cơ bị thận mạn vì tăng điện giải khiến thận phải tăng cường  bài tiết, làm tăng huyết áp - đây là yếu tố nguy cơ cao của bệnh suy thận mạn.

Trước đây, bệnh suy thận mạn thường gặp ở người cao tuổi nhưng những năm gần đây, xu hướng trẻ hóa bệnh nhân suy thận là vấn đề đáng báo động. Theo các bác sĩ, bên cạnh nguyên nhân bị ảnh hưởng bởi di truyền và bệnh lý khác  thì lối sống cũng khiến gia tăng tình trạng suy thận ở người trẻ.

Suy thận gia tăng và ngày càng trẻ hóa - 1
BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang thăm khám cho bệnh nhân suy thận.

Hỏng thận ở tuổi đôi mươi

Cô gái 21 tuổi đến Bệnh viện Đại học Y khám thì phát hiện bị viêm cầu thận, men gan cao gấp 13 lần, nguyên nhân do thói quen uống rượu triền miên. Cầm kết quả xét nghiệm của cô, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội ngạc nhiên vì chỉ số gan thận ở mức báo động.

Tuy nhiên, bệnh nhân tỏ ra khá bình thản vì đã biết điều này từ nhiều lần khám trước. Cô từ chối mọi câu hỏi của bác sĩ, chỉ cho biết "lý do là ngày nào cũng uống rượu và yêu cầu điều trị".

"Giữa áp lực và cám dỗ cuộc sống, nhiều người trẻ chưa đủ bản lĩnh, đồng thời thiếu sự định hướng, phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình", bác sĩ Thanh nói khi kể lại trường hợp trên và cho biết, ngày càng nhiều người trẻ bị suy thận mạn tính, thậm chí giai đoạn cuối. Lúc này, người bệnh buộc phải chạy thận nhân tạo chu kỳ dù tuổi đời còn trẻ.  

Một bệnh nhân nam 28 tuổi thường xuyên đau đầu, xây xẩm    mặt mày, có lúc tê lưỡi, mờ mắt, đến khám tại cơ sở y tế địa phương. Bác sĩ cho biết huyết áp tăng rất cao, khoảng hơn 180 mmHg, có lúc đến 220mmHg và khuyên nhập viện theo dõi để tìm nguyên nhân.

Tuy nhiên, anh chần chừ, "đợi qua tết rảnh rỗi hơn sẽ đi viện". Tuy nhiên ngay sau tết, anh phải vào bệnh viện cấp cứu vì không thể chịu đựng nổi các cơn đau đầu. Lúc này, bác sĩ xác định suy thận giai đoạn 5, tức giai đoạn cuối. Thận đã tổn thương nghiêm trọng với mức lọc cầu thận giảm thấp. 

Nhận kết quả chẩn đoán, chàng trai không tin vào mắt mình. Suy thận mạn giai đoạn cuối đồng nghĩa cuộc đời anh phải gắn với bệnh viện năm này qua tháng khác, một tuần ít nhất 3 lần chạy thận lọc máu.

Một bạn nam khác (20 tuổi) đi khám vì thấy mệt mỏi, xanh xao, buồn nôn khi ăn. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối do viêm cầu thận mạn, phải đặt ống thông tĩnh mạch để lọc máu cấp cứu. Sau đó, bác sĩ mổ nối thông động tĩnh mạch ở cổ tay để chạy thận nhân tạo chu kỳ, buộc phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào "quả thận máy" cho đến khi được ghép thận.

Một số trường hợp lại bị hỏng thận vĩnh viễn, chức năng thận không thể hồi phục do tổn thương quá nặng do uống thuốc giảm cân, trà giảm cân trôi nổi. Một nữ nhân viên văn phòng (26 tuổi) nhập viện với chân, tay sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, khoang màng phổi có nhiều dịch, suy gan cấp, chức năng thận suy, rối loạn điện giải, đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân đươc cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch nhưng chức năng thận không thể hồi phục, phải lọc máu định kỳ 3 lần/tuần.

Bệnh nhân kể lại đã mua 250 viên thuốc với giá 500.000 đồng và uống liên tục trong 1 tháng. Thời gian đầu uống, cô gái đi tiểu nhiều hơn và giảm khoảng 6kg, sau đó thường xuyên mệt mỏi, không ngủ được, phải nghỉ việc.

Dần dần bệnh nhân bị phù hai mắt, lan ra cả mặt rồi đến tay chân, sau đó nhập viện. Các bác sĩ cho biết, gần đây khá nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận do dùng thuốc giảm cân, trà giảm cân. 

Một số bệnh nhân may mắn điều trị kịp thời, chức năng thận khôi phục nhưng cũng có những trường hợp nặng, bị tổn thương thận không hồi phục, phải định kỳ khám và theo dõi, chạy thận lọc máu…

Suy thận gia tăng và ngày càng trẻ hóa - 2
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Lối sống không lành mạnh - một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân suy thận trẻ hóa

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo.

Cùng với gia tăng người mắc bệnh thận, số lượng người trẻ suy thận có xu hướng gia tăng. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, xin việc. Khoảng 5 năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng 5-10%.

Suy thận mạn tính giai đoạn cuối là gánh nặng rất lớn đối với bản thân bệnh nhân cũng như gia đình và xã hội, đặc biệt khi bệnh nhân  còn trẻ bởi việc điều trị rất tốn kém. Ghép thận là biện pháp cuối cùng khi không còn phương pháp điều trị. Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến ngày 31/3, cả nước có gần 5.000 người trong danh sách chờ ghép thận....

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng và trẻ hóa là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout…

Những bệnh này cũng có xu hướng trẻ hóa và dần chuyển sang suy thận. Một số người mắc các bệnh lý đường tiết niệu như: Nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu và các bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn (lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận…) cũng có thể diễn tiến sang suy thận.

Tuy nhiên, theo TS, BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bên cạnh nguyên nhân gây bệnh từ yếu tố di truyền và các bệnh lý kèm theo, chế độ ăn uống, sinh hoạt của giới trẻ cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên bệnh suy thận.

Lối sống thiếu khoa học, ít vận động, thức khuya, ăn uống quá mặn, nhiều chất béo, chất đường, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, lạm dụng chất kích thích (rượu, bia, hút thuốc lá)… dễ dẫn đến các hội chứng chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gout, béo phì…). 

Biến chứng của những căn bệnh chuyển hóa này lên cơ quan thận là một trong những nguyên nhân khiến suy thận gia tăng ở người trẻ. Ngoài ra, thói quen tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng bừa bãi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận gia tăng

“Đáng lo ngại hơn, triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. Sự chủ quan này dẫn đến việc không thể phát hiện sớm tình trạng suy thận khi mới ở giai đoạn đầu, bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị bệnh. Nhiều người chỉ phát hiện khi ở giai đoạn cuối”, BS Tuyên cbo biết.

Thay đổi lối sống, tầm soát định kỳ

Theo các bác sĩ, gánh nặng bệnh suy thận mạn gây ra rất lớn. Khi đã bước vào suy thận giai đoạn cuối, người bệnh buộc phải lọc máu định kỳ suốt đời, sức khỏe giảm sút, mất khả năng lao động. Bệnh chỉ có thể khắc phục được thông qua ghép thận nhưng trong bối cảnh nguồn tạng hiến khan hiếm và chi phí ghép tạng đắt đỏ như hiện nay thì giải pháp này vẫn chưa phổ biến.

Hầu hết người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối vẫn phải phụ thuộc vào lọc máu định kỳ. Vì thế, việc thay đổi lối sống cùng với tầm soát bệnh thận định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa suy thận mạn.

TS, BS Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) nhấn mạnh, suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính.

Để bảo vệ thận, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đưa các chất có hại vào cơ thể, đặc biệt là rượu bia và chất kích thích, ăn ngủ đúng giờ, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, uống đủ nước, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ...

Đặc biệt, mọi người không nên tự ý dùng thuốc, các loại lá cây có dược tính để dùng với mục tiêu làm đẹp hay chữa bệnh mà không rõ thành phần của thuốc và chức năng thận của bản thân.

Người dân nên đi khám ngay nếu thấy có các triệu chứng bất thường như: Phù, tiểu đêm, đau đầu, tăng huyết áp... đặc biệt, hiện tượng tăng huyết áp cần được chú ý kiểm soát, không chủ quan, lơ là vì dễ dẫn đến những bệnh nguy hiểm như suy thận, đột quỵ.

Y học tiến bộ, có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả đối với các bệnh lý về thận, do đó nếu được phát hiện sớm, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với bệnh thận một cách khỏe mạnh, hạn chế bệnh chuyển qua giai đoạn muộn. Bệnh thận có thể được phát hiện sớm bằng các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận.

Do đó, bên cạnh việc duy trì lối sống lành mạnh, người dân cần tự kiểm tra sức khỏe bằng cách thường xuyên quan sát nước tiểu. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như: Nước tiểu đục, sủi bọt, nước tiểu ngả màu khác... thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám.

 Bên cạnh đó, việc tầm soát sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận để điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.

Đối với gia đình có người bị suy thận, bệnh viêm cầu thận IgA, các thành viên cùng huyết thống nên tầm soát chức năng thận, xét nghiệm đạm niệu, đạm máu để đánh giá và nhận biết sớm các vấn đề bệnh lý.

Duy Anh

  Báo Lao động Xã hội số 49