Dự án thủy điện Ia Grai thượng không nằm trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Gia Lai, có công suất 9MW, gồm 2 tổ máy, do liên doanh Công ty cồ phần thủy điện Đak Đoa và Công ty Cô Phần Sông Đà Miền Trung thực hiện. Diện tích chiếm đất của toàn bộ dự án dự kiến là khoảng 10,23ha, trong đó diện tích chiếm đất vĩnh viễn là 8,23ha, diện tích đất thu hồi tạm thời là 2ha. Diện tích chiếm đất của lòng hồ thủy điện là 4,91 ha nằm tại khoảnh 8, 9 tiểu khu 317 và khoảnh 3, 4 tiểu khu 319 của xã Ia Grăng, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất; hiện trạng thực tế là đất có rừng trồng cây bời lời, đất nông nghiệp trồng mỳ, điều, đất mặt nước... Đến nay, thường trực huyện ủy, thường trực hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai đã thống nhất về chủ trương lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Ia Grai thượng, yêu cầu liên doanh Công ty cồ phần thủy điện Đak Đoa và Công ty Cô Phần Sông Đà Miền Trung hoàn thiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền xem xét.
Trước đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phúc Tín cũng làm thủ tục xin chủ trương của huyện Ia Grai để đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Ia Tchom 1 với công suất 8MW tại suối Ia Tchom, thuộc làng Krung, xã Ia Tô và làng Khớp, xã Ia Grăng khiến dân ở khu vực này hết sức lo lắng. Bởi, tổng diện tích bị ảnh hưởng khi xây dựng dự án này là khoảng 40 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gồm điều, cà phê, cao su, mỳ... của người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng là gần 35 ha. Theo người dân ở đây, cứ lâu lâu, xã lại họp dân làng để thông báo về việc xây dựng thủy điện khiến họ hết sức lo lắng vì sợ bị mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của gia đình khi dự án được triển khai. Theo họ, nếu làm thủy điện thì chắc chắn nước dâng lên ngập hết đất sản xuất, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của dân làng. Cho dù có đền bù bằng tiền thì dân làng cũng không biết mua đất ở đâu để sản xuất, với lại khu vực này đất rất màu mỡ, gần nước và không bao giờ bị thiếu nước nên dân làng rất thích sản xuất ở đây. "Dân mình không thích đền bù bằng tiền, vì có đền bù bằng tiền tỷ thì cũng sẽ tiêu xài hết thôi. Còn đất sản xuất thì mới có thu nhập ổn định và cũng có cái mà để dành cho con cháu sau này nữa chứ", người dân cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hạ nguồn của các con suối trên, nước đều nhập vào thượng nguồn sông Sê San. Mà hiện tại, dòng sông huyền thoại này đã có chi chít các thủy điện bậc thang đang hàng ngày vận hành như Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A, cùng nhiều thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào hoạt động từ lâu. Đó là chưa kể, đầu năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai cũng thống nhất cho chủ trương để công ty Cổ phần năng lượng Bắc Nam đầu tư dự án thủy điện Sê San 5, rồi nhiều doanh nghiệp khác vẫn không ngừng xin chủ trương làm thủy điện nhỏ và vừa khiến người dân ở đây hết sức lo lắng, riêng thủy điện Sê San 4A (xã Ia O) với công suất 63MW được thiết kế ngay tại hồ điều hòa nước sông Sê San, nằm phía hạ lưu thủy điện Sê San 4. Lúc thủy điện này hoạt động, hồ điều hòa này lập tức mất tác dụng điều chỉnh dòng chảy hạ lưu sông Sê San ở phía nước ta và cả nước bạn Campuchia. Đó là chưa kể nạn cát tặc đang hoành hành khiến cho dòng sông Sê San bị lở loét, biến dạng, gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy và sinh kế của hàng vạn, thậm chí hàng triệu người dân sống ven bờ sông.
Việc không ngừng xây thêm thủy điện chắc chắn sẽ tác động tiêu cực cho hệ sinh thái, chất lượng nước và cuộc sống của nhân dân, vậy nên, câu hỏi này rất cần nhà chức trách giải đáp thỏa đáng.