Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia Lai: Thêm một ca dương tính bạch hầu

(Dân sinh) - Qua quá trình lấy mẫu và xét nghiệm, tỉnh Gia Lai phát hiện thêm một ca dương tính với bạch hầu 3 tuổi tại xã Đăk Smei huyện Đăk Đoa.

Ngày 11/7, ông Mai Xuân Hải – Giám đốc Sở y tế tỉnh Gia Lai cho biết vừa phát hiện thêm ca dương tính được xác định tại làng Bok Rei xã Đăk Smei là Nham nữ nhi 3 tuổi người BahNar. Hiện cháu bé có các biểu hiện ho, sốt, sức khỏe ổn định. Như vậy, hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện 2 ổ dịch bạch hầu với 20 trường hợp dương tính.

Gia Lai: Thêm một ca dương tính bạch hầu - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế- Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long làm việc tại tỉnh Gia Lai

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế Mai Xuân Hải cho biết trong quá trình điều tra dịch tễ y tế, chúng tôi phát hiện 1 người đàn ông ở xã Hải Yang sống gần nhà bệnh nhân nhi đã tử vong đang làm rẫy cao su tại xã Đak Smei, huyện Đăk Đoa. Người này đã tiếp xúc với hơn 60 người tại xã Đak Smei. Trong quá trình truy vết, khám, lấy mẫu xét nghiệm thì phát hiện thêm trường hợp bé gái 3 tuổi dương tính với bạch hầu.

"Sáng ngày 12/7, toàn bộ người dân ở huyện Đăk Đoa sẽ được khám sàng lọc, cấp thuốc điều trị và bắt đầu tiến hành tiêm vắc-xin. Đến thời điểm này, công tác khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan vẫn được ngành Y tế triển khai quyết liệt; công tác giám sát, cách ly các thôn làng có ổ dịch vẫn đang được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, các trường hợp dương tính với bạch hầu đang được điều trị tích cực, có dấu hiệu tiến triển tốt"- ông Hải cho biết thêm.

Gia Lai: Thêm một ca dương tính bạch hầu - Ảnh 2.

Khám sàng lọc cho học sinh tại địa phương có bệnh nhân nhiễm bạch hầu

Trước đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế- Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp vào tỉnh Gia Lai họp bàn các giải pháp phòng, chống dịch bạch hầu. Trong đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh "Bạch hầu là bệnh cổ điển, tử vong chủ yếu do độc tố của bạch hầu gây ra nên việc điều trị càng sớm càng tốt, muốn điều trị sớm phải phát hiện sớm. Hiện đối với bệnh bạch hầu đã có cả vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu do đó cần phải ngăn chặn ngay, không để lây lan rộng trong cộng đồng. Trong thời gian Bộ Y tế làm việc tại Gia Lai với các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, Quảng Ngãi thì các giải pháp phòng chống mang tính lâu dài và bền vững cũng được bộ khuyến cáo ưu tiên. Theo đó, toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 rộng rãi, trên 7 tuổi tiêm vắc- xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu). Dự kiến sẽ có khoảng hơn 10 triệu liều vắc-xin và dụng cụ phòng hộ cá nhân cung cấp cho 4 địa phương này để tiêm phòng cho gần 4,7 triệu người.