Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội tăng cường tuyên truyền, phòng chống bạo lực trong trường học

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa gửi văn bản đề nghị phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em.

Theo đó, nhằm kịp thời phát hiện, hỗ trợ học sinh trong các tình huống nguy cấp, phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Hà Nội tăng cường tuyên truyền, phòng chống bạo lực trong trường học - Ảnh 1.

Hà Nội tăng cường tuyên truyền bạo lực học đường.

Trong quá trình tuyên truyền, cần nhấn mạnh cho học sinh hiểu rõ về những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho bản thân, sự hỗ trợ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đồng thời giúp các em hiểu rằng, bất cứ khi nào cần hỗ trợ, các em đều được trợ giúp và bảo mật về thông tin cá nhân. Tổng đài trực 24 giờ/ngày và miễn phí cước cuộc gọi.

Các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vụ việc học sinh tổ chức gây gổ, đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường; thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh. Đồng thời, các đơn vị cần nâng cao hiệu quả thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch, quy tắc ứng xử.

Việc gửi văn bản trên tới phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc nhằm cụ thể hóa Kế hoạch phối hợp số 5533/KH-BLĐTBXH-BGDĐT ngày 19-12-2019 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến năm 2025.

Thực hiện kế hoạch này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định về việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường; tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.