Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người nghiện

Các cơ sở cai nghiện ma túy chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục tập trung theo chuyên đề; lồng ghép với chương trình học văn hóa, thể thao, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; giáo dục, tư vấn cá biệt cho từng đối tượng, giúp họ giải tỏa tâm lý, có động lực để cai nghiện thành công.

Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong các Cơ sở cai nghiện ma túy cho "nhóm đối tượng là người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc".

Bài chuyên đề - Ảnh 1.

Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người nghiện tại cơ sở cai nghiện

Theo đó, các nội dung phổ biến, giáo dục là chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy và người sau cai nghiện tại cộng đồng; quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống ma túy; Bộ Luật hình sự xử lý tội phạm ma túy; chính sách pháp luật về phòng chống lây nhiễm HIV; tác hại và các biện phòng ngừa tệ nạn ma túy; những tấm gương cai nghiện thành công, vượt khó, ổn định cuộc sống sau khi cai nghiện từ cơ sở trở về cộng đồng.

Các cơ sở cai nghiện ma túy chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục tập trung theo chuyên đề; lồng ghép với chương trình học văn hóa, thể thao, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; giáo dục, tư vấn cá biệt cho từng đối tượng, giúp họ giải tỏa tâm lý, có động lực để cai nghiện thành công; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của cơ sở, pano, áp phích, khẩu hiệu, tranh cổ động; tổ chức các hoạt động thư viện, phòng đọc, tủ sách pháp luật.

Bên cạnh đó, đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ ưu tiên trong chương trình công tác hàng năm. Rà soát, chuẩn bị, biên soạn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, tổ chức khảo sát nhu cầu phổ biến pháp luật của học viên để chủ động xây dựng nội dung, chương trình, kịch bản phổ biến, giáo dục, tuyên truyền phù hợp với học viên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền để phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, bảo đảm kết quả cao và đúng định hướng. Chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, học viên tại cơ sở.

Bài chuyên đề - Ảnh 2.

Người nghiện lao động trị liệu tại cơ sở cai nghiện

Trước đó, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống và cai nghiện ma túy, trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức nhiều chương trình, hoạt động với chủ đề: "Phát huy tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, hãy hành động vì cộng đồng không ma túy".

Cụ thể, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy; hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình nói chuyện chuyên đề về ma túy cho học sinh, sinh viên; phát động trong học sinh, sinh viên "Chung tay nói không với ma túy, vì chính bạn và cộng đồng".

Công an thành phố Hà Nội mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin, hỗ trợ lực lượng, phương tiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy.

Công an các cấp cần tăng cường nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, các loại hình kinh doanh có điều kiện; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Tháng hành động phòng, chống ma túy" và "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy - 26/6".

Dự kiến trong năm 2020, toàn thành phố sẽ tổ chức điều trị cai nghiện cho hơn 6.400 người. Ngoài ra, các địa phương duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy; quan tâm tạo sinh kế, hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra, khám phá 1.763 vụ với 2.451 đối tượng phạm tội về ma túy… Hà Nội ghi nhận gần 13.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, giảm so với những năm trước, nhưng lại gia tăng trong giới trẻ.