Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Nhiều mô hình hiệu quả về phòng, chống tội phạm mua bán người

(Dân sinh) - Thực hiện Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo 799 thành phố đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Ban chỉ đạo 799 thành phố ban hành các kế hoạch về công tác tập huấn, tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.


Hải Phòng: Nhiều mô hình hiệu quả về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người - Ảnh 1.

Tuyên truyền về phòng chống mua bán người là biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho người dân.

Về công tác tập huấn, tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, thực hiện Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống mua bán người; lồng ghép tuyên truyền phòng chống mua bán người với phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy và phòng, chống tệ nạn mại dâm. Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các quận, huyện tổ chức 12 hội nghị tập huấn, hơn 70 buổi tuyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản liên quan cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ... trên địa bàn thành phố với sự tham gia của hàng vạn lượt người.

Tại các buổi tuyên truyền đã cấp phát hàng vạn tờ rơi với tiêu đề: "Đừng trở thành nạn nhân của mua bán người vì thiếu hiểu biết"; phối hợp với Sở Tư pháp, báo Hải Phòng đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Phòng chống mua bán người, Nghị định số 09/2013/NĐ-CP; Nghị định số 62/2012/NĐ-CP... trên trang phụ trương pháp luật báo Hải Phòng; tổng hợp viết, đưa gần 150 tin bài về các hoạt động, thủ đoạn của tội phạm mua bán người trên website của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng, niêm yết công khai tại Bộ phận một cửa và đăng tải 5 thủ tục hành chính về cấp giấy phép thành lập, cấp lại giấy phép, sửa đổi bổ sung giấy phép, gia hạn giấy phép, chấm dứt hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP trên Trang thông tin điện tử tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, Công an thành phố Hải Phòng thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, phương thức thủ đoạn của hoạt động tội phạm mua bán người; các kinh nghiệm, biện pháp phòng ngừa, kết quả đấu tranh; các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả về phòng, chống tội phạm mua bán người; chỉ đạo cơ quan báo An ninh Hải Phòng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng chống mua bán người cho các lực lượng cán bộ điều tra, trinh sát làm công tác nói trên. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân theo quy định.  

Hải Phòng: Nhiều mô hình hiệu quả về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người - Ảnh 3.

Một buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho gần 750 báo cáo viên, tuyên truyền viên về kiến thức, kỹ năng truyền thông phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, 2 lớp tập huấn kỹ năng công tác xã hội làm việc với nạn nhân bị mua bán trở về và nạn nhân bị bạo lực gia đình cho 85 tuyên truyền viên huyện An Lão, Vĩnh Bảo; tổ chức 10 cuộc truyền thông, diễn đàn, hội thi Rung chuông vàng với chủ đề "Phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em", hội nghị "Đối thoại về chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới" cho khoảng 3.000 cán bộ, hội viên, nhân dân, nạn nhân bị mua bán trở về, học sinh; phát 25.000 tờ rơi, 500 cuốn sách hỏi đáp về luật phòng, chống mua bán người, 2.000 "Sổ tay tuyên truyền viên phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em"; chỉ đạo các cấp Hội duy trì hiệu quả 2.907 tổ phụ nữ đăng ký cam kết không có chồng con hội viên nghiện ma tuý và vi phạm pháp luật với 132.101 thành viên, 1.024 câu lạc bộ gia đình "5 không 3 sạch" với 38.768 thành viên; nhân rộng và duy trì hoạt động các mô hình 3 tốt "tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt", câu lạc bộ Bình yên, câu lạc bộ và nhóm nhỏ phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, câu lạc bộ "Phụ nữ tìm về yêu thương" dành cho những người phụ nữ có nguy bị mua bán, bị bạo lực và phụ nữ di cư không an toàn trở về; triển khai cuộc thi viết "Vì một mái ấm bình yên" thu hút 1.000 bài viết tuyên truyền về những điển hình phụ nữ hoàn lương, những nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng... Kết quả: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 3 giải Ba cấp thành phố và 1 giải Nhất cuộc thi cấp Trung ương...

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức nhiều lượt tuyên truyền lồng ghép phòng, chống mua bán người với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em... thu hút hàng vạn lượt người tham dự; phát trên hệ thống truyền thanh của quận, huyện, xã, phường, thị trấn Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và các văn bản liên quan, các thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người để nhân dân nâng cao nhận thức và chủ động phòng ngừa.