Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng

(Dân sinh) - Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương của TP. Hải Phòng đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, công tác phòng, chống mua bán người nói riêng; công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người được tập trung đẩy mạnh. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về phòng, chống mua bán người được nâng lên. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp về phòng, chống mua bán người. Thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh 1.

Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.

Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, từ tháng 6/2013 đến hết tháng 6/2019, các Sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp hỗ trợ cho 29 nạn nhân bị mua bán trở về. Trong đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho 12 nạn nhân bằng 18 lượt, bao gồm: Hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 9 lượt nạn nhân; 9 lượt nạn nhân được hỗ trợ học nghề với tổng số tiền hỗ trợ 18 triệu đồng; bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hỗ trợ vay vốn cho 17 nạn nhân bị mua bán trở về. Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố duy trì hoạt động mô hình "Nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng" tại 2 huyện Thủy Nguyên và Kiến Thụy; hỗ trợ 75 triệu đồng cho mô hình để duy trì sinh hoạt định kỳ của các nhóm. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp, liên hệ đề nghị các cơ quan chức năng tư vấn, trợ giúp pháp lý, làm thủ tục, cấp sổ hộ khẩu cho 4 phụ nữ bị mua bán ở huyện Vĩnh Bảo, An Lão, hỗ trợ làm thủ tục cho 2 cháu là con của nạn nhân được đi học; chỉ đạo Quỹ Phụ nữ phát triển cho vay 300 triệu đồng cho 60 phụ nữ nghèo, phụ nữ di cư không an toàn trở về, phụ nữ dễ bị tổn thương ở huyện An Lão, Vĩnh Bảo phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, bộ đội Biên phòng thành phố đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương tuyên truyền 22 buổi cho 4.670 lượt người là quần chúng nhân dân, nhất là số phụ nữ trưởng thành trong độ tuổi xây dựng gia đình và trẻ em hiểu rõ nguyên nhân, thực trạng, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới biển Hải Phòng; phát hàng ngàn tờ rơi có nội dung tuyên truyền về phòng chống mua bán người.

Cũng theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng, về cơ chế phối hợp trong triển khai quy trình, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân, căn cứ quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, TP. Hải Phòng đã bố trí và luôn đảm bảo đầy đủ, có sẵn các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, trong đó các dịch vụ được bố trí tại Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân và tại cộng đồng được phân công cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị chức năng như: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ tâm lý, y tế, trợ giúp pháp lý, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân.

Hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội gửi văn bản đề nghị Công an thành phố cung cấp danh sách nạn nhân trong các vụ án mua bán người; chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội liên hệ với các Cơ sở Bảo trợ xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân các tỉnh biên giới đề nghị cung cấp danh sách, thông tin nạn nhân là người Hải Phòng đã được các đơn vị tiếp nhận, hỗ trợ. Sau khi nhận được thông tin về nạn nhân, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp cận, hướng dẫn lập hồ sơ và hỗ trợ nạn nhân theo quy định. Trường hợp nạn nhân tự trở về có đơn đề nghị hỗ trợ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị Công an thành phố xác minh, xác định nạn nhân để thực hiện hỗ trợ. 

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán người trở về.

Cùng với đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan lồng ghép kiểm tra công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với phòng chống mua bán người tại các quận, huyện trong đó có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân. Kết thúc giai đoạn 3 năm, 5 năm, các ngành, các địa phương và thành phố đều có sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện công tác phòng chống mua bán người (trong đó có công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về) tại địa phương, đơn vị và thành phố, đồng thời đề ra giải pháp thực hiện các năm tiếp theo cho phù hợp với tình hình thực tế.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác tập huấn, tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh, thành phố về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Hỗ trợ kinh phí, cung cấp tài liệu, tranh thủ nguồn tài trợ của các Tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hộiI Hải Phòng được tiếp cận các Dự án về xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ, vay vốn, tạo việc làm giúp nạn nhân ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng.